Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản
Hà Nội có hơn 160.000ha sản xuất lúa chuyên canh, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiến hơn 70%, riêng lúa thơm các loại chiếm hơn 53% sản lượng lúa của thành phố. Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội xác định phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; củng cố, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.
Bà Dương Thị Lành, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) cho biết: Muốn có gạo đặc sản phải bảo đảm 2 yếu tố then chốt là giống chất lượng cao và quy trình canh tác chuẩn. Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt thông tin: Năm 2012, trên diện tích 5ha, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú được Tổ chức JICA - Nhật Bản hỗ trợ thực hiện thí điểm dự án sản xuất lúa hữu cơ. Đến nay, diện tích lúa này đã lên tới 90ha với các giống đặc sản như Đài thơm, bộ giống lúa Japonica... Chuỗi lúa gạo ở Đồng Phú đã được nhiều doanh nghiệp "đỡ đầu", đồng hành cùng phát triển.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam Phùng Thị Thu Hương, từ năm 2019, công ty đã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú phát triển chuỗi lúa gạo đặc sản để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Nông dân huyện Ứng Hòa cũng đã chuyển sang sản xuất các loại lúa gạo mang tính đặc sản. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, 80% diện tích lúa của huyện được sản xuất theo hướng đặc sản. Ngoài bộ giống lúa của Nhật Bản, các giống lúa thơm của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội như HDT10, HD11 cũng đã khẳng định được ưu thế vượt trội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Sức hút của mít ruột đỏ OCOP 4 sao Bình Phước
Ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, mô hình mít ruột đỏ Global GAP của anh Nguyễn Viết Vị - Giám đốc HTX Phước Thiện được xem là kiểu mẫu để bà con tham quan, học hỏi.
Anh Vị chia sẻ, giống mít này có thời gian sinh trưởng ngắn, ra trái quanh năm, thích nghi mọi loại đất, đặc biệt, nếu canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giảm được chi phí đầu vào bởi cây không kén phân và ít sâu bệnh, bình quân chi phí cho mỗi gốc mít chỉ tốn 50 ngàn đồng 1 năm. Cây trưởng thành có thể cho 15 - 30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14 - 15kg. Một ha đất trồng khoảng 270 cây, nếu giá mít chỉ cần duy trì ổn định từ 40 - 60 ngàn đồng/kg, mỗi ha có thể đem lại thu nhập hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Để phát triển HTX nói chung và sản phẩm mít ruột đỏ nói riêng thật sự bền vững, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi tất yếu. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp các ngành địa phương, và tận dụng nguồn lực của HTX, anh đã cho xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm về mít như: mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh… với khoảng 100 tấn múi/tháng.
Nói về mít ruột đỏ HTX Phước Thiện, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện là một trong những sản phẩm vừa được đánh giá công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh. Mít ruột đỏ PT79 của HTX Phước Thiện cơ bản về mặt tiêu chuẩn đã đảm bảo, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng các quy trình kiểm tra kết quả, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và tiêu chí môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Hành trình nâng tầm thương hiệu cà phê Sơn La
Hiện nay, Sơn La là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng cà phê chè (Arabica) lớn hàng đầu cả nước. Nơi đây cũng được xem là vùng đất mới giúp định vị lại hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên mình “chiếc áo mới” tinh tươm hơn khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột.
Để đạt được thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại Sơn La trong việc đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ... góp phần tạo nên thương hiệu, giá trị riêng biệt cho cà phê Sơn La. Một trong số đó phải kể đến HTX cà phê Bích Thao, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) do ông Nguyễn Xuân Thao làm giám đốc.
Năm 2018, HTX tham gia mô hình trồng thử nghiệm cà phê chè giống mới THA1 theo hướng hữu cơ, với quy mô 15 ha tại bản Tát, xã Mường Do (Phù Yên) và 5 ha tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (thành phố Sơn La). Mô hình thuộc chương trình phát triển cà phê Quốc gia do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) phối hợp cùng Bộ NN-PTNT triển khai.
Đến năm 2020, HTX mở rộng thêm 40 ha cà phê THA1 và giống TN6, TN7, TN9 trên địa bàn xã Hua La và xã Chiềng Ban (Mai Sơn), nâng tổng diện tích cà phê giống mới lên 60 ha.
Năm 2021, HTX đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến cà phê quy mô hơn 1.100 m², công suất 20 tấn cà phê nhân/ngày, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng (UBND thành phố hỗ trợ 2,1 tỷ đồng còn lại vốn huy động của HTX). Dây chuyền chế biến được thiết kế theo quy trình khép kín, gồm máy sát, sàng kích thước, sàng trọng lượng, máy bắn màu công nghệ của Đức và Mỹ, máy rang, xay cà phê, kho bảo quản, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm. HTX cũng đầu tư xây dựng 3 nhà kính với tổng diện tích hơn 2.200m² để sơ chế, chế biến cà phê.
Hành trình chinh phục châu Âu của miến dong Bắc Kạn
Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn rất tích cực trong việc mang sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh đi quảng bá thương hiệu ở trong nước và quốc tế. Qua những cuộc xúc tiến thương mại đó, thương hiệu miến dong Tài Hoan đã đáp ứng được những đòi hỏi về mẫu mã và chất lượng, được người tiêu dùng yêu thích. Cũng từ đó, các doanh nghiệp nước ngoài đã xúc tiến nhập khẩu sản phẩm miến dong về thị trường EU.
Sau nhiều lần lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất độc hại tại Viện hóa học (Cộng hòa Séc), miến dong Tài Hoan đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người tiêu dùng nên được chấp nhận xuất khẩu vào thị trường Séc nói riêng và thị trường khó tính bậc nhất thế giới nói chung là EU. Từ năm 2020, container sản phẩm miến dong đầu tiên hợp tác xã Tài Hoan đã được xuất khẩu thành công. Hiện nay, mặc dù việc xuất, nhập khẩu trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng hợp tác xã vẫn đang duy trì tốt.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ: “Để xuất được đơn hàng này là hành trình hơn 1 năm cố gắng. HTX đã nhiều lần gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì đóng gói, thủ tục xuất nhập khẩu. Sản phẩm miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang CH Séc được kiểm định khắt khe về chất lượng, minh bạch về nguồn nguyên liệu trong suốt quá trình sản xuất, chúng tôi rất tự tin về điều này”.
Bà Hoan cũng nói thêm: “Nguồn nguyên liệu hiện nay được trồng tại 5 xã trên địa bàn huyện Na Rỳ, HTX ký bao tiêu sản phẩm cho 360 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng diện tích trồng dong riềng vào khoảng 50 ha, sản lượng khoảng 3.400 tấn củ. Tôi hy vọng sản phẩm miến dong Tài Hoan sẽ được sự đón nhận nhiều hơn nữa của người tiêu dùng trên cả nước và thị trường quốc tế. Như vậy không chỉ giúp đơn vị sản xuất, phát triển ổn định, mà từ đó tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống cho người nông dân”.
Sản phẩm miến dong Tài Hoan đã được tiêu thụ trên địa bàn cả nước (một số chợ đầu mối, siêu thị Big C toàn miền Bắc, và các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng nông sản, chuỗi bán lẻ…) và xuất khẩu ra nước ngoài. Kết quả sản lượng tiêu thụ năm sau tăng nhiều hơn so với năm trước, điển hình như năm 2019 tăng 200% so với năm 2018 (sản lượng từ 100 tấn lên thành 200 tấn).