Điểm sáng xuất khẩu nông sản
Thông tin từ Bộ NN&PNT ngày 1/8 cho biết, trong tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng qua, 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: Cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 7,0%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9,0%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%).
Ngoài ra, giá trị xuất khẩu của sắn và sản phẩm sắn 7 tháng qua cũng đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%), phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần)…
Bên cạnh các mặt hàng duy trì xuất khẩu ổn định, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thời gian qua, vẫn có nhiều mặt hàng bị giảm giá trị xuất khẩu. Cụ thể là: Nhóm hàng rau quả đạt trên 1,9 tỷ USD (giảm 16,1%), hạt điều ước đạt gần 1,8 tỷ USD (giảm 10,4%), sản phẩm chăn nuôi đạt 225,6 triệu USD (giảm 11,6%). Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ cũng giảm 6,9% với giá trị trên 6,9 tỷ USD…
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, hướng đến mở cửa thị trường xuất khẩu. Khảo sát tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, cửa khẩu.
Bộ cũng sẽ tăng cường phổ biến tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về những điều khoản quy định xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; cập nhật, phổ biến thường xuyên những thay đổi về quy định nhập khẩu của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Mã vạch vẫn xa lạ với sản phẩm nông nghiệp
Việc xây dựng mã số vùng trồng và mã vạch truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng; vật nuôi; quản lý được diện tích trồng, số lượng vật nuôi; đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Về lâu dài, sẽ mang lại nhiều ích lợi cho nông dân.
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng cũng như xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất… Tuy nhiên, đây là một trong những rào cản khiến việc ứng dụng phương thức quản lý này chưa được nông dân tham gia sâu rộng. Do đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng vẫn chỉ trong một số khâu cơ bản thu thập dữ liệu đầu vào như: thổ nhưỡng, chất đất, nguồn nước, giống, theo dõi dịch bệnh và hệ thống cảm biến trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
“Ngành nông nghiệp đang tập trung xây dựng thông tin quản lý ngành trên nền tảng số từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây dựng cấp mã vùng trồng, từ đó xác định được đối tượng và xây dựng nền tảng số trên các ứng dụng. Tiếp đó, ngành xây dựng các bước truyền thông để người dân hiểu và nắm bắt được các kỹ thuật mới, phương pháp canh tác mới và cách liên doanh, liên kết, có như vậy mới thúc đẩy sản xuất lâu dài, bền vững và tăng thu nhập cho người dân”, ông Cường thông tin thêm.
Du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long "lên ngôi"
Bằng những biệt tài và sự sáng tạo trong việc chăn nuôi cá, nông dân Lê Trung Tín (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã tạo ra mô hình cá lóc bay, trở thành tiêu điểm, thu hút được sự chú ý và nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thú vị, hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Cồn Sơn, TP Cần Thơ.
“Vua cá lóc bay” Lê Trung Tín chia sẻ, để thu hút khách du lịch, không chỉ dừng lại ở cá lóc bay lên đớp mồi mà bằng quyết tâm với khả năng, kinh nghiệm nuôi cá hơn 20 năm của mình, ông sẽ đào tạo, huấn luyện đàn cá thực hiện các chiêu thức mới, chẳng hạn như cá lóc bay qua vòng lửa.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành du lịch, cả nước hiện có khoảng 400 điểm khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cà Mau... có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu đã và đang định hình thu hút thị hiếu dã ngoại của người thành thị.
Ngoài chiến lược khai thác du lịch trải nghiệm, điểm chung của các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay là bán sản phẩm nông sản. Thông qua kênh tiêu thụ là du khách thì nông sản sẽ đi vào các chuỗi cửa hàng mang thương hiệu riêng của nông trại khắp các khu vực trong nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh nổi trội là lúa, trái cây và thủy sản, ứng với chuỗi canh tác nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Theo đó, chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp là quá trình tạo ra trải nghiệm dành cho du khách, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch.
Sản phẩm máy nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh do đâu?
Theo ước tính, năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt con số trên 55 tỷ USD. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nền nông nghiệp Việt Nam đang góp phần kìm chế lạm phát trong nước trong những tháng đầu năm 2022 là nhờ Việt Nam tự chủ được lương thực và là nước xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2020, mức độ cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang tăng lên ở các khâu trước và sau thu hoạch.
Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 94%; gieo cấy 42%, chăm sóc gieo trồng 77% và thu hoạch lúa 65%. So với năm 2011, số lượng máy kéo trên cả nước năm 2019 tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79% và máy sấy nông sản tăng 29%. Công suất sẵn có của trang trại đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.
Tuy nhiên một nghịch lý là các sản phẩm máy nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ chiếm được 30% thị phần trong nước, 70% còn lại là các sản phẩm nhập ngoại đến từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các sản phẩm Trung Quốc do có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước.
Đánh giá thực tế cho thấy, cơ khí dành cho nông nghiệp ở Việt Nam đang ở trong tình trạng èo uột, khi một loạt nhà máy chuyên về cơ khí nông nghiệp trước đây sau khi chuyển đổi cơ chế thì gần như không còn đầu tư vào mảng này nữa. Hiện trong nước có khá ít doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh công nghệ ứng dụng vào sản xuất máy nông nghiệp (máy kéo, máy cày…), chỉ còn lại vài cái tên đáng kể như VEAM, THACO, VINFAST…
Mức độ cơ giới hóa của Việt Nam so với các nước trên thế giới cũng có khoảng cách khá xa. Nếu như mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp Việt Nam chỉ vào khoảng 2,4 HP/ha canh tác (đối với các trang trại) thì vẫn thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan 4 HP/ha; Trung Quốc 8 HP/ha; Hàn Quốc 10 HP/ha.