Miền Tây sẽ có trung tâm nông sản 3.300 ha
Trung tâm nông sản Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cần Thơ với diện tích 3.300 ha sẽ có vai trò đầu mối, dẫn dắt phát triển nông nghiệp cả vùng.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, tại Hội nghị góp ý dự thảo đề án lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là đề án được xây dựng sau khi Nghị quyết 45 của Quốc hội thông qua đầu năm nay cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ.
Theo Phó chủ tịch thường trực, với mục tiêu hình thành "một điểm đến, đa dịch vụ", trung tâm sẽ gồm các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, hệ thống kho bãi và khu phi thuế quan trong lĩnh vực nông nghiệp. Nơi đây cũng chỉ tập trung vào các hoạt động sản xuất, chế biến ở trình độ cao như sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ, phân bón nano, chế phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ...; chế biến dược phẩm, mỹ phẩm, chế phẩm giá trị cao từ nông sản.
Kế hoạch trong năm nay Cần Thơ sẽ trình Thủ tướng ký quyết định thành lập trung tâm và hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng trong hai năm sau đó. Từ năm 2025, trung tâm bắt đầu thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Hội nông dân và Bưu điện tỉnh vừa giới thiệu, đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Hội Nông dân tỉnh cho hay hiện có nhiều nhà cung cấp nông sản được hỗ trợ đăng tải, rao bán hàng trên sàn Postmart.vn như: hạt điều Như Hoàng, mật ong Sông Bé; mít, tiêu Cô Hai, cà phê Công, hạt điều Vàng, Công ty Tuệ An, hạt điều Bà Tư. Tỉnh hướng đến mục tiêu trong năm nay có ít nhất 220 lượt hội viên có kỹ năng giới thiệu sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Năm 2021 do ảnh hưởng Covid-19, phần lớn sản phẩm của Hợp tác xã bưởi da xanh Đa Kia, huyện Bù Gia Mập khó khăn về đầu ra. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của Hội Nông dân huyện, hơn 40 tấn bưởi da xanh của hợp tác xã đã được hỗ trợ tiêu thụ với mức giá từ 18.000 đến 22.000 đồng một kg. Vụ mùa năm nay, 24 thành viên của hợp tác xã tiếp tục đầu tư, canh tác tuân thủ quy trình VietGAP theo định hướng của ngành chức năng. Trong bối cảnh giá nông sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, hợp tác xã cho biết rất trông chờ vào những kênh bán hàng mới để tìm đầu ra ổn định cho trái bưởi.
Ông Phạm Kim Trọng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết để tương tác trên sàn thương mại điện tử và hướng đến đầu ra ổn định thì người nông dân cần sản xuất tuân thủ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm phải dán tem truy xuất nguồn gốc... "Lúc này nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất, ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình chăm sóc, bón phân, xịt thuốc, sản phẩm làm ra đảm bảo yêu cầu sạch, an toàn thì mới tham gia sàn thương mại điện tử"
'Con tôm ôm cây lúa' cùng phát triển bền vững
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết từ năm 2000, Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả (sản xuất lúa, sản xuất muối, vùng đầm lầy ven biển) sang nuôi tôm.
Từ đó, mô hình đưa con tôm từ biển vào nuôi trên ruộng lúa (luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa) ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển rất nhanh, khởi đầu với phương thức quảng canh truyền thống và sau đó chuyển sang phương thức nuôi quảng canh cải tiến.
Mô hình nuôi tôm - lúa quảng canh truyền thống được áp dụng phổ biến ở Cà Mau và Bạc Liêu, nuôi với mật độ thưa 2 - 5 con/m2, thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, năng suất khoảng 200 - 300 kg/ha. Nuôi tôm - lúa quảng canh cải tiến áp dụng nhiều ở Kiên Giang và Sóc Trăng, mật độ nuôi 5 - 10 con/m2, có bổ sung thức ăn công nghiệp, năng suất đạt 400 - 600 kg/ha.
Để góp phần cải thiện năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của mô hình luân canh tôm - lúa, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cần chú trọng quan tâm đến kỹ thuật nuôi, như: chọn giống chất lượng và được ương trước khi thả ra ruộng nuôi, tỷ lệ mương nước/vuông nuôi, độ sâu mực nước trên trảng vuông nuôi phải phù hợp.
Cần đảm bảo về mật độ cũng như số lần thả nuôi/vụ, thay nước có kiểm soát, quản lý tốt môi trường nuôi, nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm - lúa theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ…
Cần làm tốt công tác quy hoạch, xác định ranh giới diện tích nuôi tôm - lúa vùng ven biển vào đến đâu, ở những khu vực cụ thể nào. Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chủ động điều tiết nguồn nước, vì sản xuất tôm - lúa cần có cả nước mặn và nước ngọt.
Giá dừa khô giảm
Tại Trà Vinh, giá dừa thấp khiến nhiều hộ trồng dừa không mặn mà chăm sóc cây, năng suất dừa cũng giảm đáng kể, thậm chí nhiều hộ đốn bỏ cây dừa để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Gần 6 tháng nay, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục giảm mạnh, thu nhập các hộ trồng dừa bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện giá dừa khô được thương lái mua ở Trà Vinh chỉ dao động ở mức 37.000 - 47.000 đồng/chục (12 quả), giảm khoảng 70.000 đồng/chục so với thời điểm đầu tháng 12/2021.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên vội vàng đốn bỏ cây dừa, bởi đây là cây trồng đã được tỉnh Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị để tạo thu nhập bền vững cho nông dân.
Dừa được xác định là cây trồng chủ lực của Trà Vinh bởi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh hiện có gần 90.000 hộ trồng dừa, với hơn 7 triệu cây trên tổng diện tích gần 25.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành.
Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 300 triệu quả/năm.
Biến Gia Lai trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam
Hiện tỉnh Gia Lai, địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, đất sản xuất nông nghiệp có hơn 845.000ha. Gia Lai còn có đất đai màu mỡ, địa hình đồi núi, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng đan xen, với khí hậu đặc trưng riêng của mỗi vùng, nên có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Được biết, tỉnh Gia Lai hiện có hơn 98.400ha cà phê, sản lượng trên 257.000 tấn; cao su có diện tích khoảng 88.650ha, sản lượng trên 123.700 tấn; hồ tiêu có diện tích khoảng 13.700ha, sản lượng trên 49.500 tấn; điều có diện tích trên 21.300ha, sản lượng khoảng 17.100 tấn. Cây ăn quả các loại có diện tích trên 21.300ha…
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.490ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: Bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu. Trong số này, có 14 vùng trồng cây ăn quả; 1 vùng trồng hồ tiêu giống và thương phẩm; 1 vùng trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn Organic USDA; 1 vùng sản xuất giống rau hoa và 1 vùng sản xuất dược liệu. Nông sản của địa phương được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Gia Lai cần tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân; hướng tới xuất khẩu nông sản sang các thị trường cao cấp ở châu Âu.
“Ngoài ra, tỉnh cần chủ động xây dựng, thực thi các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến sâu các mặt hàng nông sản, nhằm nâng cao năng suất, giá trị, sức cạnh tranh. Đồng thời, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đặc biệt, về chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai đã thu hút được 2 nhà đầu tư lớn là Tập đoàn THACO (tỉnh Quảng Nam) và Hoàng Anh Gia Lai đầu tư Dự án chăn nuôi bò thịt của THAGRICO tại xã IaPuch, huyện Chư Prông, quy mô 35.000 con, công suất nuôi 140.000 con/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 1.993 tỷ đồng; Dự án chăn nuôi lợn thịt kết hợp chăm sóc và phát triển cây cao su của Hoàng Anh Gia Lai Agrico ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, quy mô 160.000 con, công suất nuôi 400.000 con/năm với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo đó, các dự án được ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đắk Đoa quy mô 459,04ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng...