Xuất khẩu hàng hóa: Cơ hội ở sân chơi lớn
Nhắc đến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), người ta nghĩ ngay đến việc hàng hóa của các bên tham gia sẽ được giảm thuế theo lộ trình. EVFTA không phải là ngoại lệ. Ngày 12/2/2020, ngay sau khi EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU được xoá bỏ. Sau đó sẽ có 2/3 (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình. EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Có thể thấy, các ưu đãi về thuế này sẽ giúp DN 2 bên đưa hàng hóa vào thị trường dễ dàng hơn, cạnh tranh hơn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng tại EU đang hồi phục rõ nét sau dịch Covid -19, lạm phát thực phẩm cao, nên bất chấp những khó khăn như cước vận tải biển tăng vọt, chi phí container cao, các DN của chúng ta vẫn tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Và con số 688 triệu USD kim ngạch xuất khẩu sang EU trong 6 tháng đầu năm 2022 là một minh chứng khi đã tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo các chuyên gia, việc bước vào sân chơi lớn cũng đồng nghĩa hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Về lâu dài, muốn phát triển bền vững ở sân chơi lớn này, DN cần phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ.
Thay đổi tư duy sản xuất nông sản
Bà Lý Mai Thảo -Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất - nhập khẩu Nông sản Hải Nam (tỉnh Bình Thuận) cho biết, trước đây xuất khẩu trái thanh long chỉ được tuyển chọn mua từ các hộ dân rồi xử lý, đóng gói, xuất khẩu. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có hiệu quả thời gian đầu. Sản phẩm xuất đi Mỹ, Úc không được phía đối tác đặt mua, thậm chí có nhiều lô hàng còn bị trả về.
Nguyên nhân, theo bà Thảo, tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nói trên đòi hỏi ngày càng cao hơn. Cụ thể sản phẩm xuất khẩu cần phải tuân thủ Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm dịch động thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất tồn dư khác ở dưới mức cho phép, không có các loại sâu bệnh thuộc đối tượng dịch hại mà các nước quan tâm, nhất là ruồi đục quả.
Để đáp ứng được yêu cầu như trên đối với các nhà vườn ở Việt Nam là cực kỳ khó, bởi mỗi gia đình thường sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Vị Tổng giám đốc Công ty Hải Nam chia sẻ, muốn đưa được loại đặc sản này đến các thị trường khó tính cần phải thay đổi cách làm.
Vào giữa năm 2018, bà Thảo bắt tay vào hình thành khu nguyên liệu cho riêng công ty, bằng cách thuê hơn 200ha đất canh tác của các hộ dân ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, rồi tự tay bà tuyển chọn các loại cây giống phù hợp. Đồng thời đất canh tác phải xử lý lại hoàn toàn để không còn nguồn dịch bệnh gây hại và không còn dư lượng hóa chất độc hại từ nguồn phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trước đây.
Bên cạnh nguồn đất thuê, công ty còn đặt hàng nhiều hộ dân trong huyện trồng thanh long xuất khẩu. Tất cả quy trình trồng chăm sóc, thu hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Đối với một trái thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Úc hay các nước EU phải đảm bảo: Không cho phép đất, cát, bụi bẩn, vết nhựa đen, kim loại… trên bề mặt trái; Không còn côn trùng, dấu vết của thuốc trừ sâu; trọng lương khoảng 300g-350g/quả; phải ghi rõ vườn sản xuất, địa chỉ, mã code. Ngoài ra, thanh long phải được chiếu xạ khử trùng với liều lượng hấp thụ tối thiểu 400 gram” - bà Thảo nói.
Nhờ cách làm mới và tuân thủ các bước như trên mà số lượng xuất khẩu của DN bà Thảo luôn tăng trưởng mỗi năm từ 30-40% (khoảng 1200-1500 tấn/năm). Thậm chí, trong gần 2 năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng công ty vẫn duy trì được số lượng, chất lượng hàng hóa xuất đi.
Trên 50 sản phẩm OCOP được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị tại Quảng Ninh
Thực hiện chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chương trình thiết thực nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm trong nước.
Trong 7 tháng năm 2022, Sở Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức, tham gia 11 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; trong đó, 1 hội chợ cấp tỉnh là Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 với quy mô gần 300 gian hàng; 3 hội chợ cấp huyện; 2 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, hải đảo được tổ chức tại huyện Bình Liêu và Ba Chẽ với sự tham gia của 35 gian hàng trên 1 phiên chợ của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia.
Đồng thời, Sở cũng tổ chức 2 tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, 2 chương trình xúc tiến ngoài tỉnh, 3 khu gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Đến nay, tỉnh đã có trên 50 sản phẩm OCOP được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart Vinmart; có những sản phẩm được tiêu thụ tại 2 -3 siêu thị như: nấm Long Hải, nước mắm Vân Đồn, ruốc bề bề Bababi… Nhiều sản sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Gỡ khó về vốn cho HTX nông nghiệp
Ðến tháng 6-2022, cả nước có 18.795 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm 70% trên tổng số loại hình HTX của cả nước. Các HTX nông nghiệp thu hút sự tham gia của 3,2 triệu thành viên. Tuy nhiên, quy mô của phần lớn các HTX còn khá nhỏ và có số vốn tương đối ít nên doanh thu và lợi nhuận cũng còn khiêm tốn. Bình quân mỗi HTX có khoảng 176 thành viên tham gia, với tổng số vốn bình quân của mỗi HTX nông nghiệp chỉ khoảng 1,5 tỉ đồng. Hiện phần lớn các HTX còn thiếu vốn, không có đất để làm nhà xưởng, cơ sở chế biến và khó tiếp cận các nguồn vốn vay, đồng thời HTX cũng khó huy động vốn từ xã viên.
Vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động và phát triển của HTX. Ðặc biệt, nó giúp HTX mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ phục vụ thành viên như dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, các dịch vụ bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, tạo điều kiện để HTX ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị máy móc và các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh. Qua đó, thúc đẩy HTX đẩy mạnh chế biến sản phẩm, tăng giá trị gia tăng thay vì bán sản phẩm thô với giá thấp.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc liên kết phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, các cấp và các ngành chức năng cần quan tâm “khai thông” các nguồn tín dụng để tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp phát triển.
Hiện có 37% HTX nông nghiệp tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và các HTX đã tham gia phát triển được 6.925 chuỗi liên kết. Số lượng HTX ứng dụng các công nghệ cao và làm chủ thể sản phẩm OCOP ngày càng tăng. Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 1.142 HTX là chủ thể của các sản phẩm OCOP và có gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm hơn 10% tổng số HTX nông nghiệp. Về hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, hiện có 17,3% đạt loại tốt, 37,7% đạt loại khá, 36,6% đạt loại trung bình, loại yếu là khoảng 8,4%.