Bản tin nông sản 9/6: Năm giải pháp đưa nông nghiệp phát triển

Những nôi dung về nông sản đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Bình Phước ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số; vì sao giá phụ phẩm lúa gạo ‘vượt mặt’ sản phẩm chính?; Gắn chuỗi liên kết với sản phẩm chủ lực…

Năm giải pháp đưa nông nghiệp phát triển

Bản tin nông sản 9/6: Năm giải pháp đưa nông nghiệp phát triển - Ảnh 1

Ngày 8/6, trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế.

Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%. Năm 2021, nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu gần 10 tỷ USD, (trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương); phân bón nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu, năm 2021 nhập khẩu khoảng 4,54 triệu tấn, giá trị 1,45 tỷ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng "được mùa mất giá", ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế xã hội.

Trước thực trạng ấy, Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ nêu 5 giải pháp trọng tâm để đưa nông nghiệp thật sự cất cánh.

Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, …với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu như giai đoạn vừa qua.

Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.

Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai; hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bình Phước ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số

Được biết, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico - người từng ví nông sản Việt như “cô gái quê danh giá” - là người khơi gợi ý tưởng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (gọi tắt là HTX) từ tháng 2.2022. Bà Thành Thực đã thân chinh đến Bình Phước, gặp gỡ và trao đổi với các nông dân tiêu biểu về đường hướng thành lập HTX với sứ mệnh liên kết, hỗ trợ các nông gia ứng dụng số vào sản xuất.

Ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước.
Ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước.

Ngay sau đó, cũng trong tháng 2.2022, nhờ sự kết nối của địa phương, các nông dân tiên tiến đã làm việc với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thị xã Phước Long và ra mắt Ban Vận động thành lập HTX gồm 6 thành viên, trong đó có sự tham gia của ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (TT XTĐTTM&DL) tỉnh Bình Phước.

Ông Duy và doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đều cho rằng mục tiêu lớn nhất của việc thành lập HTX là tạo liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm cho nông sản Bình Phước. Bà Thực nhấn mạnh những nông gia nào không thể tự đi một mình thì cần đi cùng nhau dưới mô hình liên kết chuỗi.

Quy trình thành lập HTX đã hoàn thành vào tháng 5.2022, qua đó, HTX có bộ khung gồm 12 nhân sự nòng cốt (3 lãnh đạo và 9 thành viên). Giám đốc HTX là nông dân ưu tú Đặng Dương Minh Hoàng, chủ Nông trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) - một thanh niên rất tâm huyết trong xây dựng thương hiệu cho nông sản, nhất là quả bơ Bình Phước.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm (huyện Phú Riềng, Bình Phước) và chị Phạm Thị Vân - startup tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre và trong tư vấn về nhu cầu thị trường là các Phó Giám đốc HTX.

Các thành viên còn lại của HTX gồm: doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực (tỉnh Bắc Giang) - người khởi xướng việc ứng dụng nền tảng Nông nghiệp số AutoAgri - chìa khóa giúp hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số trong nông nghiệp; ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ Nông trại Micfarm (TX. Phước Long); bà Mai Thị Tươi - nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và phân bón lớn ở tỉnh Thái Bình cùng các nông dân trẻ tiên tiến khác...

HTX có chức năng phổ cập sổ nhật ký điện tử vườn cho nông dân, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu; tư vấn về vật tư, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thiết kế vườn; sử dụng công nghệ trong chăm sóc vườn; xây dựng chuỗi kết nối nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho nông sản.

Vì sao giá phụ phẩm lúa gạo ‘vượt mặt’ sản phẩm chính?

Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc, cho biết giá cám gạo giao dịch ở thị trường nội địa hiện đã cao hơn so với giá của sản phẩm chính là gạo.

Cụ thể, loại cám mịn 100% (hay còn gọi là cám nhuyễn) hiện được giao dịch với mức giá 8.700-8.900 đồng/kg, trong khi đó, loại cám nhuyễn có pha trộn cám to có giá thấp hơn, dao động từ 8.500- 8.600 đồng/kg.

Theo bà Yến, 1 giạ lúa khô (20 kg) xay xát thu hồi được khoảng 2 kg cám nhuyễn, tức 1 tấn lúa khô xay xát sẽ thu hồi được 100 kg cám nhuyễn. Với giá bán như hiện nay, mỗi tấn lúa, riêng phần cám cho thu hồi khoảng 870.000-890.000 đồng.

Bản tin nông sản 9/6: Năm giải pháp đưa nông nghiệp phát triển - Ảnh 2

Trong khi đó, theo tìm hiểu của KTSG Online, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện được các nhà kho mua vào với giá dao động khoảng 8.150-8.250 đồng/kg; gạo nguyên liệu của các giống lúa hạt dài như OM 5451, OM 18 có giá dao động khoảng 8.550-8.700 đồng/kg.

Như vậy, so với giá gạo nguyên liệu đã nêu ở trên, hiện giá phụ phẩm là cám gạo được giao dịch với giá cao hơn. Chẳng hạn, so với gạo nguyên liệu của giống IR 50404, giá cám gạo cao hơn 350- 650 đồng/kg.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu bắp các loại đạt trên 2,6 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá nhập khẩu trung bình đạt 331,3 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ. Điều này khiến tổng kim ngạch nhập khẩu bắp 4 tháng đầu năm nay đạt trên 851 triệu USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng là lý do khiến hàng loạt công ty kinh doanh loại sản phẩm này đã liên tục điều chỉnh tăng giá bán ra.

Theo đó, vào thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2022 vừa qua, giá thứ ăn chăn nuôi tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 300-500 đồng/kg. Chẳng hạn, Công ty MNS Feed đã quyết định tăng 300-500 đồng/kg kể từ ngày 1/5 ở khu vực miền Nam. Trong khi đó, Công ty De Heus cũng tăng 300-400 đồng/kg.

Gắn chuỗi liên kết với sản phẩm chủ lực

Bản tin nông sản 9/6: Năm giải pháp đưa nông nghiệp phát triển - Ảnh 3

Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai cho biết, để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất sữa tiệt trùng và sản phẩm từ sữa, công ty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 20 hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì, thu mua 1,5-2 tấn sữa/ngày. Với các hộ tham gia liên kết, công ty hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật từ chăm sóc, vắt sữa đến bảo quản nguồn sữa, vận chuyển về kho nguyên liệu theo quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt. 

“Từ nguồn cung nguyên liệu ổn định, công ty sản xuất ra hơn 20 loại sản phẩm sữa khác nhau, tiêu thụ trên thị trường cả nước. Mô hình liên kết này không chỉ bảo đảm doanh thu cho công ty mà còn mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ chăn nuôi trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Mai thông tin.

Không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tham gia chuỗi liên kết, sản phẩm được tiêu thụ ổn định nên người nông dân cũng yên tâm phát triển sản xuất. Theo ông Nguyễn Lương Hậu, thành viên Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa), từ khi tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân trồng giống lúa chất lượng cao J02 được hợp tác xã thu mua với giá 7.000 đồng/kg thóc (cao hơn 500 đồng/kg so với bán lẻ ngoài thị trường), lợi nhuận tăng 20-25%...

Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, công ty đã liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chương Mỹ để bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Để các chuỗi thật sự phát huy hiệu quả, các ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã... về xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm; đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi về nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Về việc khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, thời gian tới, cùng với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, Ứng Hòa thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng như: Phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu "Gạo chất lượng Khu Cháy", phát triển sản phẩm vịt gắn với nhãn hiệu "Vịt Vân Đình"…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thành phố Hà Nội nên tập trung xây dựng các chuỗi liên kết ở một số lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần xác định rõ chủ thể tham gia chuỗi, có giải pháp hỗ trợ cụ thể để các chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; đồng thời giúp doanh nghiệp, nông dân tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, khắc phục tình trạng "được mùa mất giá".

KTDU

Tiến Hoàng

Từ khóa: