Giá vàng tiếp tục tăng
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 24,5 USD/ounce lên 1.841,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2022 trên sàn Comex New York tăng 25,3 USD lên mức 1.841,2 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,3% trong tháng rồi nếu so với 1 năm về trước - theo báo cáo của chính phủ Mỹ. Con số này đã giảm nhẹ so với mức tăng 8,5% trong tháng 3 - mức cao đỉnh điểm từ năm 1981 đến nay.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji niêm yết như sau:
SJC TP.HCM: 68,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 69,85 triệu đồng/lượng (bán ra)
SJC Hà Nội: 68,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 69,87 triệu đồng/lượng (bán ra)
Doji Hà Nội: 68,9 triệu đồng/lượng (mua vào) -69,6 triệu đồng/lượng (bán ra)
Doji TP.HCM: 68,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 69,6 triệu đồng/lượng (bán ra)
Giá lợn hơi chững lại trên diện rộng
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi hôm nay không có biến động mới.
Cụ thể, mức giao dịch cao nhất trong khu vực vẫn được ghi nhận tại Hưng Yên và Hà Nội là 58.000 đồng/kg.
Ngoại trừ tỉnh Tuyên Quang hiện đang thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại đều giao dịch ổn định ở mức 56.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên không ghi nhận thay đổi mới về giá.
Trong đó, thương lái tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Lâm Đồng tiếp tục thu mua lợn hơi với giá cao nhất là 57.000 đồng/kg.
Thấp hơn một giá ở mức 56.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Bình Thuận.
Ngoại trừ Hà Tĩnh, các định phương còn lại giữ vững ở mức 55.000 đồng/kg.
Giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 54.000 - 57.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi đồng loạt đi ngang trong ngày đầu tuần.
Hiện tại, thương lái tại Vũng Tàu và Cần Thơ vẫn đang giao dịch với giá 55.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Các tỉnh thành còn lại đang thu mua lợn hơi ổn định trong khoảng 56.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg
Loại quả giá mềm ở Việt Nam nhưng được bán với giá cao khi sang nước ngoài
Vải thiều vốn là loại trái cây giá mềm ở Việt Nam, thậm chí vào năm 2018, loại quả này còn từng rớt giá chỉ còn 6-8.000 đồng/kg. Nhưng khi sang nước ngoài, vải thiều lại gây bất ngờ khi có giá cao ngất ngưởng.
Những lô vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc đã chính thức có mặt trên tại hệ thống siêu thị châu Á tại Paris từ tháng 6 năm 2021. Được biết, vải thiều sau khi vào thị trường Pháp có giá chung là 18 euro/hộp 1kg (tương đương hơn 500.000 đồng/kg). Mức giá này cao gấp nhiều lần so với giá vải trong nước (chỉ khoảng vài chục nghìn/kg).
Dù giá cao là vậy nhưng rất nhiều người tiêu dùng tại đây đã mua tới 5kg vải cho gia đình và làm quà cho bạn bè người Pháp. Trong vòng 7 ngày từ khi sang Pháp, đã có gần 4 tấn vải thiều Thanh Hà nhập khẩu qua đường hàng không được người tiêu dùng nước này đón nhận.
Được biết, Pháp là một trong những thị trường khó tính, vậy nên các sản phẩm vải thiều trước khi xuất khẩu đều cần được kiểm duyệt khắt khe, đồng thời gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ ở Pháp, những quả vải tươi chín mọng của Việt Nam cũng được chào đón ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Cộng hòa Séc và nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU). Sự kiện này cho thấy hiệu quả của Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra triển vọng và cơ hội cho nông sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu gần 450 triệu dân.
Khi những lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam "cập bến" châu Âu, công ty xuất nhập khẩu nông sản Vinamex Belgium đã nhập luôn 500kg để bán thử. Ban đầu, chủ doanh nghiệp còn e ngại khi vải thiều Việt Nam có giá bán cao hơn so với các loại trái cây khác 25euro/kg (khoảng gần 700.000 đồng/kg).
Không ngờ chỉ trong 48 giờ, toàn bộ lô hàng nửa tấn vải đã được tiêu thụ hết. Trên đà đó, công ty tiếp tục đặt hàng thêm một tấn vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn.
Ngoài châu Âu, vải thiều Việt Nam còn chinh phục được Nhật Bản - 1 trong những thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Cụ thể vào giữa năm 2020, lô vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam xuất sang Nhật đã được bày bán tại hệ thống phân phối của siêu thị AEON (gồm 250 điểm bán trên khắp Nhật Bản).
Vải thiều tươi do AEON đưa sang Nhật Bản bằng đường hàng không và không trữ đông, nhằm giúp khách hàng Nhật được thưởng thức loại trái cây này với hương vị tươi ngon nhất.
Giá xăng có thể lập đỉnh mới, vượt mức 30.000đ/lít?
Thị trường xăng dầu thế giới gần đây biến động mạnh, giá đổi chiều liên tục và xu hướng chung là tăng. Vì vậy, thị trường xăng dầu trong nước đang đối diện với đợt tăng giá mới. Nếu giá dầu thế giới không hạ nhiệt, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở kỳ điều hành sắp tới (23/5) có khả năng lập đỉnh mới vượt qua ngưỡng 30.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo diễn biến của thị trường thế giới gần đây thì rất khó để dự báo giá xăng cũng không loại trừ khả năng giá xăng đảo chiều giảm giá bởi thị trường biến động rất nhanh.
Trước đó, ngày 12/5, Bộ Tài chính vừa công bố thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) quý I năm 2022.
Giá xăng dầu tăng mạnh sẽ có tác động làm tăng giá thành sản phẩm, nhiều chuyên gia cũng lo ngại giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Các mặt hàng sẽ tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh.
Hương Trà (t/h)