Nguồn gốc cá chép giòn giá “siêu rẻ”
Cá chép giòn có thịt cá dai, giòn ngọt gần như thịt tôm, vị ngọt thanh và ít tanh. Giá cá chép giòn vì thế cũng cao gấp 2-3 lần cá chép thông thường, lên đến 180.000-200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, vài ngày gần đây, cá chép giòn được rao bán rầm rộ trên chợ mạng với giá chỉ từ 45.000-55.000 đồng/kg.
Theo chị Quỳnh, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội), mấy ngày gần đây, có rất nhiều người bán cá chép giòn với giá giải cứu nhưng bạn bè chị cũng có một vài người mua cá ủ đá trong thùng xốp, đã chết. Khi về mổ ra thì chất lượng thịt kém, thịt bở và hôi.
Khoảng vài ngày gần đây, cá nuôi trong lồng bè của hơn 50 hộ dân trên sông Thái Bình, thuộc xã Tiền Tiến, TP. Hải Dương bị chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cá lồng bè chết hàng loạt, người dân vớt cá chết lên bán với giá 1.000-2.000 đồng/kg, còn cá sống bán với giá 20.000-30.000 đồng/kg.
Quýt sim giá từ 30.000 đồng/kg bán tràn lan
Gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người bán quýt sim mã rám với giá 30.000-50.000 đồng/kg. Loại quýt này được người bán giới thiệu là có vị ngọt đậm, vỏ rám và có nguồn gốc từ tỉnh Cao Bằng. Người bán còn khẳng định quýt sim là hàng sạch, ăn đảm bảo, yên tâm cho cả gia đình.
Nhưng theo một số tiểu thương, quýt sim thật không hề có giá rẻ như vậy. Quýt sim không bán đổ đống, giá không hề rẻ, dao động từ 70.000-120.000 đồng/kg tùy mã rám hoặc mã đẹp.
Một tiểu thương cho biết cam rám của Trung Quốc có mẫu mã giống với quýt sim Cao Bằng. Còn chị Đào Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội - một người kinh doanh hoa quả) còn khẳng định quýt sim chắc chắn không có nguồn gốc từ Cao Bằng.
Chị Trần Thoa (Hà Nội), một người chuyên "săn lùng" để tìm bán các loại quả sạch, cho biết, quýt sim chuẩn là giống quýt Úc được trồng tại trang trại có địa chỉ duy nhất tại Cao Phong, Hòa Bình. Quýt sim có vỏ màu vàng mướt, múi mọng nước, ngọt thơm.
Nho Ninh Thuận giảm giá sâu vì nắng nóng
Khảo sát cho thấy, nho loại 1 đang được thương lái thu mua khoảng 40.000-45.000 đồng một kg, giảm 5.000-10.000 đồng so với vụ năm ngoái. Nho loại 2 giá 30.000 đồng một kg.
Với những hộ trồng bị ảnh hưởng thời tiết và kỹ thuật chăm sóc kém, giá bán ra quanh 20.000-25.000 đồng một kg. Mức này thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Nho tại Ninh Thuận có hai loại, nho xanh và đỏ. Trước đây, nho xanh có giá đắt đỏ hơn loại đỏ, nên nhiều hộ chuyển sang canh tác dòng này. Nguồn cung dồi dào, nên giá nho xanh thấp hơn trước.
Ngoài ra, năm nay nắng nóng kéo dài, nhiều hộ không chú ý chăm sóc đúng kỹ thuật, trái bị mềm và chua, nên giá giảm sâu so với hàng chất lượng.
Ông Phạm Dũng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Ninh Thuận không cho rằng giá nho giảm sâu. Theo ông, giá có hạ vì chất lượng trái kém do thời tiết, nhưng tỷ lệ hộ bị ảnh hưởng chỉ khoảng 10%.
Ông Dũng cũng cho rằng, các vườn nho được canh tác đúng quy trình, giá quanh 40.000-45.000 đồng một kg. Mức này nông dân vẫn có lời.
Nho là sản phẩm chủ lực của Ninh Thuận. Đến cuối 2023, tỉnh này có hơn 960 ha trồng nho, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và Phan Rang - Tháp Chàm.
Hàng năm, các nhà vườn tại đây thu lãi bình quân 100-200 triệu đồng một ha nho. Các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ, sử dụng chế phẩm sinh học vào chăm sóc trái nho sẽ có thu nhập cao hơn cách canh tác truyền thống.
Nước giặt siêu rẻ “tung hoành” chợ mạng
Các thương hiệu nước giặt từ “vô danh” đến nổi tiếng được rao bán tràn lan trên mạng Internet với giá siêu rẻ.Theo đó, chỉ cần tìm kiếm trên Google cụm từ “nước giặt”, sau vài giây, hàng nghìn kết quả hiện ra.
Trong đó, nhiều nhất là thông tin rao bán nước giặt giá rẻ trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube. Ngay cả trên một số sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada…, nhiều sản phẩm nước giặt được bán với giá rẻ bất ngờ
Cua lột bất ngờ được rao bán với giá chỉ 25 nghìn đồng/con
Gần đây, trên các chợ hải sản online hay các khu chợ cư dân của các khu chung cư, vô số bài viết bán cua lột với giá siêu rẻ, chỉ từ 25.000-40.000 đồng/con xuất hiện. Theo đó, những bài viết với hình ảnh đẹp, lời mời chào, quảng cáo hấp dẫn nên được nhiều người quan tâm, đặt mua về ăn thử.
Một người bán cua lột tên Hoa cho biết, đây là hàng nhập khẩu từ Myanmar, hạn sử dụng đến tận năm 2025. Tuỳ trọng lượng cua mà giá bán lẻ khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều người thất vọng khi mua loại cua này. Chị Nguyễn Thuý (trú Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ chị mua 5 con cua hết 125.000 đồng. Nhưng khi rã đông xong thì con cua chảy ra thành nước, còn mỗi cái vỏ không, tẩm bột chiên lên thì mềm oặt, nếm thử thì mặn chát lại có mùi rất hôi nên chị không dám ăn.
Anh Vũ Phong, một người nuôi cua ở huyện Cái Nước (Cà Mau), cua lột loại nhỏ này nếu đã để đông đá thì thịt cua sẽ bị mất đi, còn lại toàn nước nên quê anh hầu như toàn bỏ đi, không bao giờ bán ra thị trường. Cua lột khó bảo quản vì khi ướp đá sẽ bị hao thịt, mất thịt, biến chất và có mùi khai. Cua đã để đông lạnh lại có hạn sử dụng cả năm như vậy chắc chắn không ngon, người tiêu dùng không nên mua về ăn.