Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 10 không có biến động bất thường, riêng mặt hàng rau xanh do đang trong giai đoạn chuyển vụ chuẩn bị cho rau vụ Đông và do thiệt hại sau mưa bão nên nguồn cung giảm, giá rau xanh tại các tỉnh phía Bắc đã ở mức cao trong giai đoạn đầu tháng, từ cuối tháng, nguồn cung được cải thiện nên giá đã giảm dần. Các mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung ổn định nên giá không có biến động lớn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 10/2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 21,4%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2024 ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,0%; may mặc tăng 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,6%. Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 7,5%.
Bộ Công Thương nhận định, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), về chỉ số quản trị mua hàng (PMI), về đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân,… đã cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024.
Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm với lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong khi, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm có xu hướng tăng nhằm đáp ứng tiêu dùng dịp lễ Tết, đặc biệt nhu cầu đối với nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản…
Nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão, đồng thời, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Trong đó, dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 99.450 tấn/tháng, tương đương với 1,19 triệu tấn/năm; thịt lợn khoảng 19.890 tấn lợn hơi/tháng và thịt gà, vịt khoảng 6.630 tấn thịt/tháng, tương đương với 79.560 tấn/năm; thủy, hải sản tươi, đông lạnh khoảng 5.520 tấn/tháng, tương đương 66.300 tấn/năm; thực phẩm chế biến khoảng 5.520 tấn/tháng, tương đương với 66.300 tấn/năm…
Để làm tốt việc này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì công tác nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các đơn vị khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội.
Những tháng cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật quản lý Nhà nước về thương mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tổ chức, cá nhân hiểu rõ, thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ người sản xuất, kinh doanh chân chính, quyền lợi của người tiêu dùng.