Bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của cả nước 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% mặc dù dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. 

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64% - Ảnh 1

Về phía cung của nền kinh tế

 Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Nguyên nhân do thời tiết các tháng đầu năm nay thuận lợi, bên cạnh đó các địa phương đã chủ động phòng chống xâm nhập mặn hiệu quả, áp dụng mô hình sản xuất truy xuất nguồn gốc đảm bảo cơ sở niềm tin cho người tiêu dùng, xuất khẩu nông sản được giá.

– Năng suất lúa đông xuân đạt 68,3 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước và là mức năng suất cao nhất từ trước đến nay; sản lượng đạt 20,55 triệu tấn, tăng 673,1 nghìn tấn. Một số địa phương có năng suất lúa đông xuân đạt cao: Hậu Giang đạt 78,2 tạ/ha; Phú Yên đạt 77,9 tạ/ha; Bạc Liêu đạt 77,3 tạ/ha; Kiên Giang đạt 76,2 tạ/ha; An Giang đạt 74,7 tạ/ha; Đồng Tháp đạt 73,2 tạ/ha; Thái Bình đạt 71 tạ/ha. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm trước: An Giang tăng 74,9 nghìn tấn, Kiên Giang tăng 43,8 nghìn tấn, Long An tăng 28,4 nghìn tấn, Cà Mau tăng 24,1 nghìn tấn, Hà Tĩnh tăng 23,9 nghìn tấn, Thanh Hóa tăng 21,7 nghìn tấn.

– Ngành chăn nuôi tăng trưởng khá, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2021 tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số gia cầm của cả nước tăng 5,4%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 2002,2 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 6,06% (quý II đạt 450,5 nghìn tấn, tăng 6,12%); sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 5,0% (quý II đạt 4,0 tỷ quả, tăng 5,6%).

– Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng cao, trong đó: Thủy sản đạt 4.054 triệu USD, tăng 12,5%; rau, quả đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,7%; hạt điều đạt 1.652 triệu USD, tăng 11,1%; cao su đạt 1,1 tỷ USD, tăng 80%; hạt tiêu đạt 499 triệu USD, tăng 40,5%; ;… . Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản 6 tháng đầu năm đạt 11,57 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

 Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư tại Việt Nam chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử. Bên cạnh đó một số năng lực mới tăng bổ sung cho nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể là: Nhà máy sản xuất hàng may mặc công nghệ cao của Công ty Cổ phần May 40 ở Thái Bình với năng lực thiết kết 3 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Giầy Ngọc Tề ở Hưng Yên với 2 triệu sản phẩm/năm; Khu nhà máy may, sản xuất sợi tại Nam Định với 15 nghìn sản phẩm/ngày; Nhà máy may mặc xuất khẩu Apparel Tech Hà Tĩnh với 100 nghìn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Techworld industries Việt Nam (sản xuất thiết bị điện chiếu sáng) với 958 nghìn sản phẩm/năm…

– Một số ngành công nghiệp trọng điểm 6 tháng đầu năm có chỉ số IIP tăng cao như:

+ Ngành Dệt tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm sợi xe từ các loại sợi tự nhiên có sản lượng tăng 13,4%; sản phẩm sợi tơ tổng hợp tăng 5%.

+ Ngành sản xuất trang phục tăng 8,9% do năm 2020 ngành may mặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid. Năm 2021 các DN ngành may dần vượt qua giai đoạn khó khăn, nhận được nhiều đơn hàng và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

+ Ngành sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 3%: Sản lượng sản phẩm xăng động cơ tăng 5,5%. Trong đó, sản lượng sản phẩm của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn- Thanh Hóa tăng 2,7%; công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn- Quảng Ngãi tăng 8,2%.

+ Ngành sản xuất kim loại tăng 37%: Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) những tháng đầu năm 2021 hoạt động ổn định và có mức tăng khá cao. Sản lượng sản phẩm Sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 20,4%; sản phẩm Thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 35,8%.

+ Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 17,2%, trong đó các sản phẩm sau có tốc độ tăng cao: Sản phẩm máy in sử dụng trong văn phòng tăng 12,7%; sản phẩm bộ phận của máy tính, máy tính tiền, máy đóng dấu, máy bán vé tăng 13,7%; sản phẩm máy điều hòa không khí tăng 18,5%….

+ Sản xuất xe có động cơ tăng 33,1%: Sản phẩm Xe có động cơ chở dưới 10 người tăng 37%, trong đó Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda có sản lượng 6 tháng tăng 50,5%; Công ty TNHH Vinfast có sản lượng tăng 73,6% nguyên nhân do doanh nghiệp đã đã chủ động, có kế hoạch thích ứng với dịch Covid-19 để duy trì sản xuất kinh doanh. Sản phẩm Xe có động cơ đốt trong chở từ 10 người trở lên của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Sản Xuất Và Lắp Ráp Ô Tô Du Lịch Trường Hải 6 tháng tăng 111,1%…

Vận tải hàng hóa được duy trì khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ. Vận tải hàng hóa tháng Sáu tăng 8,6% về sản lượng vận chuyển và tăng 9,4% về sản lượng luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận chuyển hàng hóa tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,8%) và luân chuyển tăng 11,3% (cùng kỳ năm trước giảm 7%). Riêng đường hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn với sản lượng vận chuyển giảm 26% và luân chuyển giảm 51,8% so với 6 tháng năm 2019 (năm chưa có dịch Covid-19).

 Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 36,1% chủ yếu nhập tư liệu sản xuất chiếm đến 93,9% tổng kim ngạch (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước) trong đó, máy móc thiết bị tăng 33%, nguyên nhiên vật liệu tăng 40,2%, có tốc độ tăng cao hơn so với nhập khẩu hàng tiêu dùng (tăng 28%) cho thấy dấu hiệu phục hồi của sản xuất.

 Khu vực doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp[1], tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 26,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,9%); trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nhưng vẫn có sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm trước như Bắc Giang tăng 11,82%; TP Hồ Chí Minh tăng 5,34%; Bắc Ninh tăng 1,06%.

 Sáu tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc 6 tháng đầu năm 2021 tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm 0,07 điểm phần trăm; thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 281,7 nghìn đồng.

Về phía cầu của nền kinh tế

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,6%).

Mặc dù doanh thu Tháng 6 giảm nhẹ nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 6 tháng đầu năm của các địa phương vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 2,1%; Hải Phòng tăng 5,9%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,7%; Cần Thơ tăng 6,9%. Nguyên nhân chủ yếu do tháng 4 năm 2020 thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước nên người dân cũng hạn chế ra ngoài mua sắm (doanh thu Tháng 4/2020 đạt khá thấp 87,29%). Ngoài ra, doanh thu một số nhóm ngành hàng tăng cao như lương thực, thực phẩm chiếm 33% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng 7,8%, do đây là nhóm hàng hóa thiết yếu đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

 Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tổng vốn FDI đăng ký chỉ giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng vốn FDI thực hiện tăng 6,8% trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên nhiều quốc gia, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã xem Việt Nam là điểm đến an toàn để đầu tư do thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua.

 Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vẫn duy trì tăng trưởng ổn định và ở mức tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn và các thị trường có FTA với Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

Bảo Anh

Từ khóa: