Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2022, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, theo số liệu từ Bộ KH&ĐT tính tới cuối năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 397 KCN đã được thành lập, 291 DN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên là 87.100 ha, trong đó diện tích đất KCN là 58.700 ha (chiếm 67%). Có 106 KCN đang xây dựng với diện tích đất KCN là 23.800 ha. Diện tích đã cho thuê là 43.300 ha (+400 ha, tỷ lệ lấp đầy là 70,9% giảm so với 75% thời điểm 30/6/2021). Trong sáu tháng đầu năm 2022, 09 KCN mới được thành lập với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỉ đồng.
Diễn biến cung cầu các khu vực
Khu vực miền Nam: Theo thống kê từ CBRE, trong Q1.2022, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,9% (+2,6% yoy). Giá đất thuê vẫn giữ ổn định tại các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và tăng mạnh tại TPHCM hay Long An với lần lượt 21% và 46%. Nguồn cung mới tăng khá tốt từ Bình Dương và Đồng Nai với VSIP III (1000 ha), KCN Nam Tân Uyên mở rộng GĐ 2 (346ha) cũng có thể đưa vào kinh doanh từ cuối năm 2022. Ngoài ra BCM cũng sắp khởi công KCN Cây Trường (700 ha) trong năm nay.
Khu vực miền Bắc: Thị trường miền Bắc sôi động hơn nhờ vào việc tận dụng chiến lược Zero Covid của Trung Quốc đã thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đặc biệt là 11 công ty trong chuỗi cung ứng của Apple chuyển sang Việt Nam. Tỷ lệ lấp đầy khu vực miền Bắc đạt 79% (+1% yoy), ghi nhận nguồn cung mới ở KCN Yên Phong 2C, Yên Phong 2A, Gia Bình cung cấp hơn 500 ha sẵn sàng cho thuê trong năm nay. Ngoài ra, trong 3 năm tới có tới gần 4.000 ha có thể đưa vào kinh doanh, đủ dư địa để tiếp nhận nhu cầu lớn dịch chuyển từ TQ qua.
Lực đẩy từ hạ tầng
Cũng theo báo cáo từ VCBS, các dự án hạ tầng lớn trong kế hoạch triển khai như Cao tốc HCM – TDM, Chơn Thành, HCM - Mộc Bài, Dầu Dây Mộc Bài, Biên Hòa – Vũng Tàu hay Vành Đai 3 sẽ giúp các KCN xung quanh các tuyến đường này hưởng lợi nhờ khả năng tiếp cận tới cụm cảng Cát Lái và Cái Mép Thị Vải tốt hơn. Các khu vực được hưởng lợi nhất đó chính là KV Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai.
KCN phía Bắc tiếp tục tận dụng quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang.
Chiến lược Trung Quốc + đã diễn ra từ lâu do mặt bằng lương đã tăng cao, quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay như Trung Quốc đang có hướng chuyển sang thành kinh tế tiêu dùng thay vì sản xuất. Tuy nhiên, điểm nhấn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc trong khi thế giới đã hồi phục và sống chung với Covid 19 càng làm đẩy nhanh tốc độ này.
KCN “xanh” sẽ là một trong các xu thế mới nhờ các nhà sản xuất nhắm đến xu hướng tiêu dùng xanh.
Hưởng ứng con đường đến “net zero in 2050” các nhà sản xuất đang chú trọng sản xuất xanh với NVL xanh hoặc nhà máy xanh. Các thương hiệu dệt may như Adidas, Nike, Puma… cam kết sẽ sử dụng toàn bộ sợi tái chế hay như Lego đã đăng ký đầu tư nhà máy “net zero” đầu tiên trên thế giới đặt tại VSIP III với quy mô vốn lên tới 1 tỷ USD.