Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm qua. Nhiều thời điểm thị trường gần như “đóng băng”, các du khu lịch, nghỉ dưỡng dừng hoạt động, thanh khoản sụt giảm…
Việc đóng các chuyến bay quốc tế và nội địa thời điểm giãn cách xã hội đã biến những khu resort thành nơi hoang vắng. Tình hình kinh doanh ảm đạm đã khiến nhiều nhà đầu tư muốn chuyển nhượng lại những resort hoặc khách sạn lớn. Đặc biệt là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao, họ buộc phải bán để để thu hồi vốn.
Đặc biệt đối với căn hộ condotel với cam kết lợi nhuận thường ở mức 8 - 12%/năm nhưng nhiều thời điểm không khai thác cho thuê được, không có nguồn thu nên không có lợi nhuận, thậm thậm chí là lỗ do phải chi trả các khoản chi phí quản lý, vận hành. Vì vậy, condotel ên đã bộc lộ những “điểm yếu”, ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, báo cáo thị trường của CBRE mới đây vẫn đưa ra những thông tin tích cực về thị trường này. Theo đó, đối với loại hình căn hộ condotel, tính đến quý 3/2021, Khánh Hòa dẫn đầu về nguồn cung condotel với gần 14.000 căn được tung ra thị trường.
Giá bán sơ cấp tăng nhờ nguồn cung mới có vị trí tốt và chất lượng cao. Từ năm 2020 đến quý III/2021, giá bán sơ cấp condotel ở Phú Quốc đạt mức gần 4.000 USD/m2, tại Khánh Hòa, Đà Nẵng là gần 2.500 USD/m2 và Bà Rịa - Vũng Tàu gần 2.000 USD/m2…
Đối với loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc là những thị trường dẫn đầu về nguồn cung tính đến quý 3/2021. Đặc biệt, giá bán biệt thự nghỉ dưỡng tăng ngay cả trong thời kỳ bị tác động bởi Covid-19, đặc biệt tại các thị trường cấp 2 như Phú Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khi đó, năm 2019, giá bán biệt thự nghỉ dưỡng ở Phú Yên chỉ khoảng 1.000 USD/m2 thì từ năm 2020 đến hiện tại, giá bán đã vọt lên gần 3.000 USD/m2.
Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấo cao của CBRE chia sẻ, có thể thấy thị trường bất động sản hiện nay đã được tạo ra rất nhiều “kháng thể”. Trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản đã tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà.
“Thực tế trên đã phần nào cho thấy “trong cái khó, ló cái khôn”. Nghĩa là, trong khi thị trường đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các doanh nghiệp vẫn không dừng lại mà vẫn vận động ngầm để khi thị trường mở cửa trở lại, doanh nghiệp vẫn ra hàng và nhanh chóng được khách hàng đón nhận”, bà Dung nói.
Trước đó, Báo cáo đánh giá triển vọng ngành bất động sản của VnDirect cũng cho rằng Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh chóng trong tương lai nhờ hỗ trợ của vắc xin cùng với sự phục hồi của thị trường du lịch tại Việt Nam. Sóng gió của Bất động sản nghỉ dưỡng do dịch COVID-19 gây ra có thể kết thúc từ cuối 2021.
VnDirect cho rằng các sản phẩm Bất động sản nghỉ dưỡng liền thổ sẽ là phân khúc đầu tiên được hưởng lợi từ sự phục hồi, khi người tiêu dùng tìm kiếm các địa điểm có sự tách biệt và môi trường ngoài trời trong bối cảnh dịch bệnh…