Báu vật để đời xứ chè Thái Nguyên

Xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) là vùng đất được "mẹ" thiên nhiên ưu ái, nổi tiếng với những đồi chè bạt ngàn, mướt xanh. Đặc biệt, thời gian gần đây, người trong, ngoài vùng TứcTranh truyền tai nhau về cây chè có màu tím - giống chè quý có hoạt chất kìm hãm tế bào ung thư, được coi là báu vật của xứ chè Thái Nguyên.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Văn Dung (thôn Minh Hợp), một trong những hộ hiếm hoi sản xuất được chè tím để "mục sở thị" những cây chè có ngọn màu tím khác lạ.

Ông Dung kể, nhiều năm trước, khi chăm sóc và thu hái diện tích chè trung du của gia đình, nhận thấy trong vườn có vài cây chè khác lạ, thân, lá và búp đều có màu tím, mọc tua tủa, phát triển mạnh hơn với những cây chè khác. "Thấy lạ, tôi thử tìm hiểu thì biết, giống chè này có nhiều tác dụng quý, dùng để chữa bệnh nên tiếp tục chăm sóc và nhân giống".

Cẩn thận nâng một cây giống còn trong bầu lên cao, ông Dung giới thiệu, chè tím có ngọn giống như màu mận chín, cuống lá non màu đỏ, có khi búp lá cũng đỏ hoặc tím. Ban đầu, chỉ từ một vài cây mọc xen kẽ với những cây chè trung du trong vườn, ông bắt đầu tìm hiểu và nhân cành ra trồng thử trên diện tích gần 400m2. Khoảng 2 năm sau, diện tích chè này cho thu hái được 4 - 5kg chè búp khô.

"Thời điểm chè tím bắt đầu cho thu hái, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã lên nghiên cứu, tìm hiểu về giống chè này. Cũng nhờ đó, tôi được học hỏi nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây chè tím và gia đình tiếp tục trồng thêm trên 700m2" - ông Dung cho hay.

Sau hơn 5 năm kiên trì nhân giống, trồng và chăm sóc, đến nay, diện tích vườn chè búp tím của gia đình ông đã lên đến gần 2.000m2, cho thu hái từ 30 - 50kg chè khô mỗi lứa. Chè tím được bán với giá gấp 2, 3 lần so với chè thông thường, giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg, giúp gia đình ông thu từ 12 - 15 triệu đồng/lứa.

Mấy chục năm gắn bó ở vùng chè nổi tiếng thuộc xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nhưng ông Phạm Văn Dung đang chọn cho mình một hướng đi khác với giống chè tím mới lạ.
Mấy chục năm gắn bó ở vùng chè nổi tiếng thuộc xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nhưng ông Phạm Văn Dung đang chọn cho mình một hướng đi khác với giống chè tím mới lạ.

Thành quả từ nỗ lực trồng và phát triển giống chè tím được ông Dung chia sẻ không phải là giá trị từ nương chè mà chính là việc sản phẩm đã góp phần chữa được căn bệnh hiểm nghèo cho người anh ruột của ông. Ông Dung chia sẻ, năm 2013, ông Phạm Văn Đúp (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội - anh trai ông Dung) được Bệnh viện Ung bướu chuẩn đoán bị bệnh ung thư vú. Sau xạ trị và truyền hóa chất người lúc nào cũng mệt mỏi, biết được công dụng của chè tím, ông Dung gửi xuống cho ông Đúp dùng. Uống thuốc của bệnh viện kết hợp với uống chè tím được một thời gian, ông Đúp đi xét nghiệm lại, tình trạng bệnh tình của ông dần ổn định, các chỉ số máu đã trở lại bình thường, tế bào ung thư không còn phát triển. Từ đó đến nay, ông duy trì uống chè hàng ngày và kết hợp theo chỉ dẫn của các bác sỹ trong bệnh viện; cứ 3 tháng đi tái khám một lần, các chỉ số đều đảm bảo.

Nói về cách chăm sóc cây chè tím, ông Dung cho biết: Chè tím có thể trồng ở đồi cao hay khu vực đất bằng phẳng. Ưu điểm của giống chè này là không mất nhiều công chăm sóc như chè hạt hay chè cành mà năng suất vẫn đạt tương đương các giống chè khác. Đặc biệt, chè tím có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn chè cành hay chè hạt.

Coi chè tím như một vườn thuốc biệt dược, ông Dung đã thay đổi phương thức sản xuất, chế biến chè. Vườn chè tím của ông bảo đảm theo quy trình sản xuất hữu cơ. Ông cho hay, sản xuất chè tại Tức Tranh chính là "cái nôi" đầu tiên cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, việc thực hiện không khó, vấn đề chính là người làm chè có nhận thức được sự cần thiết, tất yếu phải làm hay không.

Nghĩ là làm, ông mua một máy nghiền đỗ tương. Hạt đỗ tương mua về được xay thành bột để bón cho những gốc chè tím. Ông Dung triết lý, "chè có thể chưa sạch nhưng chè thuốc thì phải an toàn tuyệt đối". Bên căn nhà cấp 4 đã được xây dựng từ lâu của gia đình ông là khu vực chế biến với các máy móc, thiết bị hiện đại bậc nhất của xã Tức Tranh cũng như của huyện Phú Lương hiện nay. Trang thiết bị để sản xuất chè an toàn bằng inox gồm 3 tôn quay và 2 máy vò chè; hệ thống quạt hút khói bụi tại khu chế biến rộng cả trăm m2; hệ thống máy sấy, tủ sấy hương, máy hút chân không, máy gắn mép, máy dập chữ số và hạn sử dụng.

Chè tím là loại chè quý hiếm, giàu chất an-to-xian có tác dụng chống ôxy hóa…
Chè tím là loại chè quý hiếm, giàu chất an-to-xian có tác dụng chống ôxy hóa…

Hiện tại, sản phẩm chè tím của gia đình ông Dung được nhiều khách hàng trong cả nước đặt mua. Mô hình phát triển chè tím không chỉ khẳng định vị thế mũi nhọn của cây chè nói chung trên địa bàn huyện mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm từ chè. Đặc biệt, mô hình trồng chè tím có sức lan tỏa và ông Dung cũng sẵn sàng là người hướng dẫn, cung ứng giống để nhân rộng, phát triển cây chè tím./.

Phi Long - Xuân Sỹ