CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án mua lại cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của CTCP Đầu tư Bắc Cường.
Cụ thể, Phát Đạt (PDR) sẽ mua thêm 29,7 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/CP, tổng giá trị 297 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục liên quan, PDR sẽ sở hữu 49,5 triệu cổ phần, tương đương 99% vốn điều lệ của Bắc Cường.
CTCP Đầu tư Bắc Cường được thành lập năm 2010. Vào ngày 23/8/2021, PDR tiến hành mua lại 99% vốn sở hữu và quyền biểu quyết của công ty này, qua đó toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển và kinh doanh dự án trên khu đất có diện tích 2.734,9 m2; tọa lạc tại địa chỉ 223 - 225 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Trong một diễn biến khác, vào ngày 20/2, HĐQT Phát Đạt đã có quyết định hủy ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ niên 2023 là 28/2/2023 theo quyết định HĐQT số 5/2023/QĐ-HĐQT ngày 7/2/2023. Cuộc họp vào tháng 3/2023 sẽ được hoãn lại, thời gian tổ chức cụ thể sẽ được thông báo sau.
Quý IV/2022, PDR chỉ đạt 14 tỷ đồng doanh thu thuần (đều là doanh thu cung cấp dịch vụ), giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ hai liên tiếp, PDR có doanh thu siêu thấp (quý III/2022, doanh thu thuần chỉ 11 tỷ đồng). Như vậy có thể nói, PDR đã có nửa năm kinh doanh thất bát.
Với nguồn thu khiêm tốn, quý IV/2022, PDR chịu lỗ gộp 29 tỷ đồng. Và dù có thêm 16 tỷ đồng doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi, tuy nhiên điều này chỉ như muối bỏ biển vì chi phí tài chính tăng tới 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 221 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay là 140 tỷ đồng).
Không còn doanh thu tài chính đột biến (1.250 tỷ đồng - từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con) “giải nguy” khỏi cảnh thua lỗ như quý III/2022, quý IV này, PDR chịu lỗ trước thuế tới 296,5 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đậm bậc nhất trong khoảng mười năm trở lại đây.
Theo giải trình của PDR, nguyên nhân thua lỗ trong quý là do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản khiến việc đầu tư kinh doanh vào các dự án bất động sản không thuận lợi. Bên cạnh đó, công ty đang tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của PDR giảm 58%, đạt 1.504,5 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 54%, đạt 1.276 tỷ đồng.
Điểm sáng là doanh thu tài chính đạt 1.267 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con. Cụ thể, PDR đã hoàn thành việc chuyển nhượng tiếp 26% vốn chủ sở hữu Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn KL cho Công ty TNHH Bất động sản Gemini, nâng tổng số lượng cổ phần tại Sài Gòn KL đã được chuyển nhượng lên 72% theo như kế hoạch thanh lý khoản đầu tư này.
Trong năm, chi phí tài chính của PDR tăng gấp 4 lần lên 638 tỷ đồng. Chi phí vận hành (chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) cũng phát sinh thêm 66 tỷ đồng, đạt 305 tỷ đồng.
Kết quả, PDR lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 1.599,5 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2023. Trừ đi khoản lỗ khác 106 tỷ đồng, PDR có lãi trước thuế 1.494 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.145,5 tỷ đồng, giảm 39%. So với kế hoạch đề ra, PDR chỉ hoàn thành 14% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận.
Về tài sản, tổng tài sản của PDR sản tại ngày 31/12/2022 đạt 22.845 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Cơ cấu tổng tài sản có điểm đáng chú ý là sự gia tăng của các khoản phải thu, tăng 46% so với đầu năm, đạt 6.382 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 12.131 tỷ đồng, không biến động nhiều, chủ yếu là bất động sản tại các dự án River City, Tropicana Bến Thành Long Hải, Bình Dương Tower, Phước Hải…
Như vậy, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu đã lên 18.513 tỷ đồng, chiếm tới 81% tổng tài sản - một mức đáng quan ngại về chất lượng tài sản.
Lượng tiền và tương đương tiền cuối năm giảm gần một nửa so với đầu năm, còn 262 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 13.576 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 27%, còn 1.239 tỷ đồng. Dư nợ vay của PDR đạt 4.440 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm, tập trung ở nợ vay ngắn hạn.