Kỳ lạ với dòng trà cổ thụ nảy mầm khi tuyết rơi, vào mùa đông hàng năm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh khi có tuyết rơi, tất cả cây cỏ ngủ đông thì những búp trà màu đỏ lông tuyết trắng dày xòe ra nhiều cánh rực rỡ từ thân cây trà cổ thụ. Những búp trà mọc lên làm rực cả một góc rừng, người dân bản địa nơi đây coi đó là tinh hoa của trời đất, được thu hái về và chế biến thành phẩm trà “độc đáo” chỉ có duy nhất tại Việt Nam.
Trà quý nức tiếng bay xa, được giới buôn trà Đài Loan biết đến và sang tìm hiểu, đặt hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên vì một năm trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh chỉ thu hái duy nhất một vụ và có số lượng vô cùng giới hạn, vì vậy bà con nơi đây quyết lưu giữ và dành cho những người đam mê trà cổ thụ Việt Nam.
Trà San Tuyết Tây Côn Lĩnh và những câu chuyện về ngọn núi thiêng
Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang. Dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dài trên hai huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì, cách thị xã Hà Giang 46 km. Trên đỉnh núi có mốc trắc địa. Dưới chân núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới còn được bảo tồn. Mỗi mùa trong năm đến là nơi đây lại khoe một chiếc áo mới. Vào mùa xuân, những thửa ruộng bậc thang khoác lên mình chiếc áo xanh non mơn mởn của màu lúa mới. Đến mùa thu, một chiếc áo vàng rực rỡ óng ả của những thửa ruộng bắt đầu tỏa mùi lúa thơm nồng nàn.
Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh hiện là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người dân tộc Dao và Mông. Đây còn được coi là ngọn núi thiêng xuất hiện trong những câu chuyện truyền thuyết của người dân tộc La Chí sinh sống ở huyện Hoàng Su Phì.
Trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh vốn rất nổi tiếng trong lòng người yêu trà, nhưng ẩn đằng sau loại trà hảo hạng này là những câu chuyện ly kỳ, đầy bí ẩn. Người ta kể rằng: Ngày xưa, những cây chè Shan tự mọc lên và sống cheo leo trên núi, con người ta chẳng thể trèo hái được nên họ đã tìm cách huấn luyện những chú khỉ hàng ngày trèo cây hái về. Thế rồi, mỗi lần người dân dời nhà đi tìm nơi phát rẫy, làm nương, họ lại mang theo những hạt chè Shan và trồng ở nơi mình sống; để rồi từ đó những rừng chè bạt ngàn cứ thế ra đời.
Lại có chuyện kể rằng, vào một ngày xa xưa nọ, có đôi vợ chồng đi tìm vùng đất kiếm kế sinh nhai. Họ đi, đi mãi rồi lại đi mãi, khi đến vùng rừng núi phía Bắc này thì thấy thấm mệt và đói nên quyết định dừng chân ngồi nghỉ bên một gốc cây cổ thụ. Người chồng bèn hái một đọt cây ăn cho đỡ đói bụng thì thấy có vị chát nặng, nhưng sau đó lại trở thành vị ngọt. Hai vợ chồng liền nấu nước rồi bỏ lá cây cổ thụ vào uống, họ bỗng chốc thấy sảng khoái, dễ chịu, tan đi mệt mỏi. Cho đây là điềm lành, hai vợ chồng liền dựng nhà sinh sống ngay bên gốc cây rồi sau đó, lấy hạt cây gieo khắp vùng đồi núi và từ đó hình thành nên những rừng chè cổ thụ bạt ngàn như ngày hôm nay.
Còn có nhiều câu chuyện ly kỳ khác xoay quanh Trà Shan tuyết Tây Côn Lĩnh nhưng có lẽ nổi tiếng nhất với loại trà này phải kể đến huyền thoại Mạc trà nổi tiếng.
Truyền thuyết kể lại rằng, Mạc Đăng Dung lúc sinh thời rất thích uống một thứ lá cây kỳ lạ được lấy từ trên trên đỉnh núi cao quanh năm mây mù bao phủ của dãy Tây Côn Lĩnh. Trong một lần đang mải mê đuổi bắt theo một con cá khổng lồ, Mạc Đăng Dung đã quên cả thời gian và vô tình bị lạc vào chốn núi non hùng vĩ, đương lúc cơ thể mệt mỏi bởi đã nhiều ngày lao lực, ông liền dạt vào một quán nhỏ ven sông rồi được người chủ quán nọ cho uống ba bát nước.
Ngay sau khi uống xong bát nước đó, thật kỳ lạ thay, Mạc Đăng Dung đang rệu rã tinh thần bỗng dưng trở nên sảng khoái, sức lực tràn về dào dạt trong cơ thể. Hỏi ra mới biết, thì ra đó là lá cây chè được lấy từ miền ngược chuyển về. Cũng kể từ đó, mỗi khi thiết triều hay luyện đao, ông thường uống chung ba bát trà lớn và bốn chén rượu để tăng thêm trí lực và sức lực. Ở tuổi 59, trước lúc lâm chung, Mạc Đăng Dung sai mọi người đem đến bên mình một chung trà lớn và thanh long đao. Cũng chính vì thế mà sau này, người ta còn gọi trà Shan tuyết Tây Côn Lĩnh là Mạc trà.
Trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh - “Vua” của các loại trà
Trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh được khai thác từ vùng chè cổ nổi tiếng nhất Tây Côn Lĩnh. Sinh sống ở độ cao trên 2000m, đặc điểm thổ nhưỡng chủ yếu là lớp núi đá vôi, đá tai mèo, những cây chè Shan tuyết ở đây bám chặt vào núi đá, làm bạn quanh năm với mây mù, khí hậu khắc nghiệt. Nhiều lúc có tuyết rơi đã làm cho những búp chè cổ nơi đây mang một lớp lông tuyết trắng rất đặc biệt, đó cũng là khởi nguồn của cái tên Shan Tuyết
Tây Côn Lĩnh vốn có khí hậu mát mẻ quanh năm, lại thường xuyên được bao bọc bởi lớp sương mù vây kín tạo điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp cây trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh phát triển mạnh mẽ. Những cây chè mọc thẳng, vươn cao từ vài mét đến vài chục mét, lá to, búp và lá có nhiều lông mao trắng như tuyết, những gốc trà thường 3 vong tay người lớn ôm mới xuể.
Cây chè Shan ở đây mọc hoang dại hơn các vùng chè Shan khác. Cây chè sinh trưởng khỏe mạnh, chịu ẩm, chịu lạnh rất tốt. Giống chè này lại không chịu sự can thiệp nào của con người (như bón phân, phun chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật,…) nhưng vẫn sống trường tồn trải qua hàng trăm năm, qua biết bao thế hệ của con người nơi đây. Vì thế mà chẳng khó hiểu khi vùng chè Shan nơi đây được gọi là vùng “chè cực sạch”.
Những cây chè Shan Tuyết đại thụ của đỉnh Tây Côn Lĩnh thường không cho nhiều búp, một năm thường chỉ cho búp vào hai vụ mùa xuân và mùa thu. Vào mùa Đông, những cây chè bị đốn và phát cỏ, vun gốc. Lúc sang Xuân, vào thời điểm dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4, người dân bản địa bắt đầu thu hái chè vụ đầu của năm. Nếu như búp chè mùa Xuân cho màu nước xanh vàng, hương thơm tự nhiên thì búp chè mùa Thu lại mang đến hương vị đậm đà và bền nước. Vì sống ở địa hình núi cao, không khí trong sạch nên trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh không có sâu bệnh, nguồn nước cho cây chè cũng không bị ô nhiễm, do đó giống chè cổ nơi đây vẫn thường được gọi là dòng trà “cực sạch” về nguồn nguyên liệu.
Để làm ra được loại trà Shan thượng hạng này, người hái chè cần phải băng rừng vượt suối lên đỉnh núi, tìm và hái những chồi chè mập mạp, tươi non nhất nhất theo đúng nguyên tắc 1 tôm, 1 tép và chồi chè vẫn phải còn màu bạc. Thời gian hái chè cũng chỉ được bắt đầu sau 8 giờ sáng bởi khi đó trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh đã bắt đầu có những tia nắng ban mai, sương đêm đã vơi bớt. Đến tầm hơn 10 giờ trưa thì nghỉ hái do lúc này trời nắng gắt hơn, chè Shan ít nhiều sẽ bị ánh nắng làm ảnh hưởng đến sắc và hương. Đặc biệt, trời mưa thì sẽ tuyệt đối không được hái chè.
Người hái cứ tỉ mỉ chọn từng chồi chè một nên một ngày một người chỉ có thể hái được khoảng 1kg chè tươi. Trong khi đó, để có thể làm ra được 1kg trà Shan khô cần tối thiểu 5kg chè tươi. Tính ra, phải mất 5 nhân công cật lực hái trong một ngày mới làm ra được 1kg trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh.
Trà Shan Tuyết Tây Côn Lĩnh vốn nổi tiếng từ độ công đoạn hái lượm chế biến cho đến hương vị hảo hạng hiếm có. Không khó hiểu vì sao khi loại trà này được mệnh danh là “thức quà của trời đất”, là sự tin yêu mà biết bao người yêu trà dành cho, làm nên thương hiệu của loại trà danh tiếng này.
Sơn Thủy