Trà là loại thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Người ta nhúng lá của các cây họ trà có tên Camellia Sinensis vào nước sôi hoặc nước ấm để uống. Trà có vị đắng, chát hoặc thanh mát. Cũng có vô số cách thưởng trà khác nhau. Ngày nay, trà được trộn với thảo dược để tăng các lợi ích sức khỏe của loại thức uống này.
Phần nhiều các nghiên cứu về lợi ích của trà đối với sức khỏe đều nói đến trà xanh. Việc này khiến nhiều người hiểu nhầm rằng các loại trà khác như trà trắng, trà đen hay trà Ô long chỉ là thứ vô thưởng vô phạt, uống cho vui. Thực tế, tất cả các loại trà đều chứa chất có lợi cho sức khỏe, trà khác loài sẽ có hàm lượng các chất cao thấp khác nhau.
Thế giới có 3 quốc gia có khả năng sản xuất những loại trà hảo hạng nhất: Ấn Độ, Trung Quốc và Sri Lanka. Mỗi vùng khác nhau có được loại trà với mùi và vị đặc trưng.
Dưới đây là những loại trà đắt đỏ nhưng nổi tiếng khắp thế giới:
Trà đen Darjeeling, Ấn Độ
Trà Darjeeling là một trong những loại trà đen ngon số 1 thế giới. Đồng thời nó cũng là một trong những loại trà thanh tao và thơm, hậu ngọt và đắt tiền do yêu cầu cao về điều kiện đất đai, độ cao và khí hậu. Đó là lý do mà Ấn Độ đã chọn vùng nguyên liệu này để thay thế trồng Trà khi cuộc chiến thuốc phiện xảy ra với Trung Quốc và người Anh không muốn phụ thuộc vào việc phải nhập trà từ Trung Quốc nữa
Nguồn gốc trà Darjeeling được lấy theo tên quận Darjeeling, là một thành phố ở bang Tây Bengal của Ấn Độ. Nó được ghi nhận là có tên tuổi trong ngành Trà. Từ đầu thế kỷ 19, các đồn điền trà rộng lớn đã được thành lập trong khu vực. Theo đó, những người trồng chè đã phát triển các giống lai của trà đen và tạo nên các kỹ thuật lên men mới. Trà đen Darjeeling được quốc tế công nhận và được xếp loại là một trong số những loại trà đen phổ biến nhất thế giới.
Không giống như hầu hết các loại trà ở Ấn Độ, trà Darjeeling thường được làm từ giống Camellia sinensis var. sinensis chứ không phải cây (C. sinensis var. assamica) với lá lớn. Theo truyền thống, vùng trà Darjeeling phát triển trà đen nhiều nhất, tuy nhiên, ô long và trà xanh cũng ngày càng phổ biến và dễ tìm hơn, trà trắng cũng bắt đầu phát triển nhiều.
Việc trồng chè ở vùng Darjeeling của Ấn Độ được bắt đầu vào năm 1841 bởi Archibald Campbell, một bác sĩ phẫu thuật dân sự của dịch vụ Y Tế Ấn Độ. Ông đã mang hạt giống của cây trà Trung Quốc (Camellia sinensis) và bắt đầu trồng thử nghiệm tại Darjeeling. Chính phủ Anh cũng thành lập các vườn ươm chè trong lúc đó, sự thương mại bắt đầu châm ngòi vào 1850. Mở đầu là vườn trà Alubari được mở bởi công ty Kurseong và Darjeeling Tea.
Trà Darjeeling cũng gặp phải những vấn đề về giả mạo. Tính đến năm 2004, lượng trà được bán tương tự như Darjeeling trên toàn thế giới mỗi năm vượt đến hơn 40 nghìn tấn, trong khi sản lượng chè hàng năm của Darjeeling chỉ ước tính đến 10 nghìn tấn, bao gồm cả tiêu thụ địa phương. Để chống lại tình trạng này, Hội đồng Trà Ấn Độ đã quản lý chặt chẽ nhãn hiệu và logo chứng nhận cho Darjeeling. Theo đó, bảo vệ này cho rằng, trà Darjeeling không thể được trồng hoặc sản xuất ở bất kỳ một nơi nào khác.
Trà Thiết Quan Âm, Trung Quốc
Trà Thiết Quan Âm được biết đến là một trong "thập đại danh trà" nổi tiếng của Trung Quốc. Có nguồn từ trấn Tây Bình, huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc với hơn 200 năm lịch sử. Một trong những điểm đặc biệt của loại trà đắt đỏ này là nó có thể pha được 7 lần trước khi hết sạch mùi vị.
Trà Đại Hồng Bào
Trà Đại Hồng Bào (Da-Hong Pao) là một loại trà Ô long có xuất xứ từ núi Vũ Di, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Tương truyền, vào cuối đời Minh, một vị thái y đã dùng búp non hái từ những cây trà mọc trên núi Vũ Di chữa khỏi bệnh cho thái hậu. Để thưởng công, hoàng đế nhà Minh bèn ban tặng mỗi cây trà quý một chiếc áo bào đỏ để bọc bên ngoài trong những ngày giá lạnh. Loại trà này vì thế có tên là Đại Hồng Bào.
Trải qua gần 400 năm đến nay, số trà quý năm xưa chỉ còn lại 6 cây. Mỗi năm, từ 6 cây trà này, người ta chỉ thu được chừng 1kg búp. Từ năm 2006, chính quyền địa phương quyết định hạn chế khai thác búp của những cây trà Đại Hồng Bào cổ, nên hiện nay, những người mê trà dù có chấp nhận đổi cả gia sản cũng khó có cơ hội sở hữu loại trà quý này. 20gr Đại Hồng Bào cuối cùng do tỉnh Phúc Kiến tặng Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc cuối tháng 10 năm 2011 vì thế được coi là vô giá.
Trà Đại Hồng Bào được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt và được coi như báu vật quốc gia tại Trung Quốc. Loại trà này không được bán phổ biến và có mức giá khoảng 10,4 triệu Nhân dân tệ/kg (37,4 tỷ đồng/kg), được xem là một trong những loại trà đắt nhất thế giới.
Trà Sri Lanka
Sri Lanka là quốc gia xuất khẩu trà lớn thứ 4 thế giới; chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Kenya. Sản xuất và chế biến trà cũng chính là một trong những ngành kinh tế chính yếu của quốc gia hơn 20 triệu dân này. Khoảng 1 triệu người dân Sri Lanka làm việc trong ngành trà, và trà chinh là mặt hàng đóng góp hơn 17% giá trị xuất khẩu cho đất nước.
Năm 1867, người Anh đã chọn hòn đảo nhiệt đới Ceylon (nay là Sri Lanka) sau khi đã chu du khắp nơi để tìm vùng trồng trà tốt nhất mà không cần dùng tới phân bón hóa học.
Do điều kiện về chất đất, ánh sáng mặt trời và mật độ mưa trên đảo Ceylon mà sau đó Ceylon đã được biết đến như một thiên đường với những điều kiện khí hậu lý tưởng để trồng trà. Trà trồng ở đây đảm bảo chất lượng sạch, mang lại hương vị thanh mát cho người thưởng thức.
Người dân dùng kỹ thuật hái trà “hai lá và một nụ” kết hợp với cách thức chế biến truyền thống để giữ được hương vị tự nhiên nhất có thể. Trà Sri Lanka đã trở nên nổi tiếng thế giới và được nhiều người ưu chuộng vì chất lượng vượt trội và sự đa dạng.
Sơn Thủy