Bình Định: Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023

 Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại ngày hội

Tối 8/9, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 đã được khai mạc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc tại ngày hội
Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc tại ngày hội

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Cùng các uỷ viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL); Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 11 tỉnh, thành miền Trung.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức, có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 11 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững đất nước nói chung, của các vùng miền trên cả nước nói riêng, những năm qua, Bộ đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tích cực phối hợp với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, đặc biệt là những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Cùng với Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc tại các vùng miền trên cả nước, Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung đã trải qua 3 lần tổ chức, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Tiếp nối thành công của 03 kỳ ngày hội đã tổ chức, Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung lần thứ 4 diễn ra từ ngày 08-10/9 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, hứa hẹn tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hoá, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số…gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; để nhân dân và du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về những đặc trưng văn hoá vùng núi cao, núi thấp, vùng ven biển mang hơi thở cuộc sống gắn với núi rừng, sông suối, biển cả cùng các tập quán canh tác mùa vụ của đồng bào các dân tộc miền Trung qua các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, khám phá ẩm thực, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống…

“Thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: Bình Định tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa; là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nổi bật là Nghệ thuật Tuồng và những làn điệu Bài chòi mượt mà, sâu lắng, trong đó Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đất võ Bình Định với những tinh hoa võ thuật đã hun đúc, kết tinh thành truyền thống thượng võ của con người Bình Định qua nhiều thế hệ.

Bình Định cũng là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, nơi đây hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Bana, Chăm, Hrê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, trở thành các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác….

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong tỉnh qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Sau Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Miền trung lung linh sắc màu hội tụ” mang đậm sắc màu văn hoá các dân tộc miền Trung. 
Sau Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Miền trung lung linh sắc màu hội tụ” mang đậm sắc màu văn hoá các dân tộc miền Trung. 

“Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bình Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch của quê hương và con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững”- Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nhấn mạnh.

Sau lễ khai mạc, các đại biểu tham dự cùng đông đảo người dân, du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ”. Chương trình gồm 3 chương: Bình Định - huyền thoại ngàn năm; sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung; miền Trung hội nhập và phát triển cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam, được các diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên thể hiện, khắc hoạ đậm sắc màu văn hoá của các dân tộc trên dãi đất miền Trung giàu truyền thống văn hoá./.

Nguyễn Tuyên