Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 15/5 tại Hà Nội, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) các Sở Công Thương giảm giá điện, tiền điện cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Về tình hình cung ứng điện trong năm 2020, do tác động dịch bệnh, giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua, mặc dù gặp khó khăn, tình hình phụ tải ngành điện có giảm so với kế hoạch nhưng Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điện lực, EVN cập nhật kế hoạch, nhu cầu phụ tải từ nay đến cuối năm, đảm bảo sẵn sàng cho các nhà máy điện với khả năng cao nhất.
Theo ông Trần Tuệ Quang, Bộ cũng luôn bám sát tình hình cung ứng nhiên liệu, triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán trong nước, đảm bảo hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.
Đối với giá điện, Bộ Công Thương sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ các đơn vị điện lực, EVN cũng như các đơn vị thành viên EVN, để đảm bảo giá điện luôn công khai minh bạch...
“Trong quý 3 và 4, theo định kỳ và theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, EVN sẽ có đợt kiểm tra giá điện, sau đó sẽ công bố thông tin, công khai minh bạch thông tin cho dư luận hiểu rõ về tình hình của ngành điện,” ông Trần Tuệ Quang cho hay.
Liên quan đến về sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, từ tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi biểu giá bán lẻ điện.
Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu phối hợp với các cơ quan để làm rõ bối cảnh, tình hình thực tế của biểu giá bán lẻ điện mà chủ yếu là biểu giá bán lẻ sinh hoạt...
Cùng với đó, Bộ cũng đã xây dựng phương án đổi mới biểu giá cho phù hợp với thực tế và đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Khi tập hợp đủ ý kiến, Bộ sẽ hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng vào cuối năm nay. Sau khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ có Thông tư về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ.
Đáng lưu ý, về việc giảm giá điện và EVN đề nghị giảm giá phí, thuế, ông Trần Tuệ Quang chia sẻ, tất cả các loại thuế phí qua giá bán điện cuối cùng, tức là doanh nghiệp phải trả hết toàn bộ thuế phí, đơn vị phát điện nộp đầy đủ thuế phí.
Ngoài ra, EVN cũng như các đơn vị đều phải trả đầy đủ, bù đắp các chi phí, nên tập đoàn có văn bản xin hỗ trợ một phần là ý kiến của doanh nghiệp và tuỳ các cơ quan xem xét, giảm khó khăn cho ngành điện.
Xung quanh việc đề xuất cấm nhập khẩu xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Nhà máy Nghi Sơn là liên doanh nước ngoài 70%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đại diện chỉ 25%, còn Bình Sơn 100% vốn trong nước.
Thời gian qua, PVN gặp khó khăn do giá dầu thô thế giới sụt giảm, trong vòng 3 tháng giảm hơn 60%, nên nguồn thu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây không phải là hai nhà máy xuất khẩu dầu thô, mà dùng dầu thô chế biến sản phẩm thành phẩm xăng dầu để bán và xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đáp ứng yêu cầu Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được phép đầu mối trực tiếp xuất nhập khẩu xăng dầu cũng phải chia sẻ là 3 tháng vừa qua gặp nhiều khó khăn, 8 lần liền giảm giá liên tiếp.
Do đó, với đề xuất của PVN, Bộ Công Thương đã có bàn bạc kỹ với đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và người tiêu dùng... để cân nhắc thận trọng.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu cấm thì chỉ một hoặc một số được nhập khẩu, điều này có thể ảnh hưởng giá cả, quyền lợi người dân, toàn bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Hơn nữa, việc cấm nhập có thể vi phạm WTO và các nước có thể đưa ra biện pháp cấm nhập khẩu mặt hàng khác.
“Trước mắt cân nhắc việc cấm nhập khẩu xăng dầu và hài hoà các quyền lợi giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng, nhà nước là đảm bảo an ninh năng lượng, đủ xăng dầu để cung cấp,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, thời gian vừa qua, vấn đề giảm 50% thuế phí trước bạ cũng như thuế tiêu thụ nội địa được doanh nghiệp, người dân rất quan tâm.
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng. Trong thời gian ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2020, Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% phí trước bạ, lùi thời hạn đóng thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Không chỉ ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam bị ảnh hưởng, mà ngành công nghiệp ôtô của một số nước trong khu vực ASEAN, châu Á cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, các quốc gia khác còn có chính sách hỗ trợ mạnh tay hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian áp dụng giảm thuế phí không dài, chỉ 6 tháng, nên khả năng vi phạm các cam kết quốc tế như cảnh báo của Bộ Tài chính là khó xảy ra. Đề xuất của Bộ Công Thương cũng đã được nhiều đơn vị liên quan khác đồng thuận," ông Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, quan điểm của Bộ Công Thương đã khẳng định rất rõ trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Ngành công nghiệp ôtô là một trong những ngành công nghiệp lớn của Việt Nam, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lợi ích cho người dân.
Trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô phải tạm dừng hoạt động, gặp khó khăn rất nhiều. Trong khi đó, ôtô trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với ôtô nhập khẩu giá rẻ khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt thì ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ lao đao hơn./.
Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)