Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai tại Công văn số 1449/BM-CV về việc tiếp nhận 7 bệnh nhân trong 2 vụ ngộ độc methanol, trang thông tin điện tử https://vfa.gov.vn của Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát đi cảnh báo khẩn ngộ độc Methanol sau khi uống rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân suy giảm thị lực nặng và di chứng thần kinh).
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trong quá trình triển khai thực hiện ngay hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên thị trường nếu phát hiện ra sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm nêu trên đang lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.
Thông tin sản phẩm bị cảnh báo cụ thể như sau:
+ Tên sản phẩm: Rượu nếp, Hầm Rượu Việt;
+ Bao gói: can 30 lít, ≤ 29,9 % Vol;
+ Số công bố hợp quy: 20/2018/YTHY-XNCB.
+ Nhà sản xuất: Cở sở sản xuất rượu Đất Lúa;
+ Địa chỉ: Trương Xá, Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên, điện thoại: 0979441232.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm với thông tin nêu trên và thông báo tới cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Như đã thông tin trước đó, sáng 3/11, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ Bắc Giang chuyển lên.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt. Xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân có tổn thương não lan tỏa rất nặng, mặc dù đã được giải độc cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng không hồi phục, đã tử vong.
Loại rượu bệnh nhân đã uống sau đó được y tế địa phương thông tin lại là: loại rượu đóng can nhựa 30 lít, tên là "RƯỢU NẾP", "Hầm Rượu Việt".
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đây là loại sản phẩm có tên và nhãn mác riêng, thông tin đăng ký và địa chỉ rất rõ nên rất nguy hiểm vì dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng vì “qua mặt” được tiêu chí “sản phẩm có tên, thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Chỉ có điều thông tin trên nhãn mác đó có đúng hoặc có thật hay không thì chỉ cơ quan chức năng kiểm tra mới biết. Sản phẩm có nhãn mác và thông tin như thế này càng dễ đánh lừa được tất cả người tiêu dùng, kể cả những “Người tiêu dùng thông thái”.
Thông tin của BV Bạch Mai cũng lưu ý, trong 2 vụ ngộ độc nêu trên, vụ ngộ độc đầu tiên là người dân mua rượu có tên là “Rượu nếp”, “Hầm Rượu Việt” về nhưng để ngâm chuối hột rồi mới uống và khi kể bệnh với bác sĩ chỉ nói uống rượu ngâm chuối hột. Do đó mất nhiều ngày sau mới biết loại rượu ban đầu và tên nhãn mác như vậy.
Vì vậy người dân và nhân viên y tế cần hỏi kỹ nguồn gốc loại rượu đã uống, tránh bỏ sót thông tin.
Đức Giang