Bộ GD&ĐT ra quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh

Quy định mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư 08/TT ngày 21 tháng 3 năm 1988 đã được sử dụng 32 năm đến nay không còn phù hợp.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo lần 2 Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư áp dụng đối với HS trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, học viên cấp THCS, cấp THPT tại trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo dự thảo Thông tư, có 4 hình thức khen thưởng HS: Tuyên dương trước lớp; tuyên dương trước toàn trường; tặng giấy khen; các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng HS.

Trong đó, hình thức tặng giấy khen được thực hiện khi cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng HS để xem xét, tặng giấy khen cho học sinh đảm bảo một trong các điều kiện.

Đó là, HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện (đối với cấp tiểu học), học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi (đối với cấp THCS, THPT);HS có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc năng lực, phẩm chất; HS có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, nhà trường và công tác Đoàn, Đội được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận.


Bộ GD&ĐT ra quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh - Ảnh 1

Nhà trường khen thưởng bằng tiền hoặc vật chất tương đương kèm theo giấy khen. Ảnh: Oanh Trần.

HS có thành tích xuất sắc, đột xuất được hiệu trưởng nhà trường xem xét tặng giấy khen hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức khác xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền.

Bộ GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường để quy định mức thưởng (bằng tiền hoặc vật chất tương đương) kèm theo giấy khen đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS trong nhà trường.

Cùng với các hình thức khen thưởng, Bộ GD&ĐT cũng nêu ra những biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Theo đó, giáo viên thu thập các thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của HS mắc khuyết điểm để lập kế hoạch cho HS sửa chữa khuyết điểm. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp đối với từng HS.

Cụ thể là khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với HS mắc khuyết điểm; phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của HS để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ HS sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho HS mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý;Giáo viên và nhà trường yêu cầu HS thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được HS thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường.

Bộ GD&ĐT cũng quy định hình thức kỷ luật, đối với HS mắc khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, vi phạm nội quy nhà trường, các quy chế, quy định của ngành Giáo dục. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khác (khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm).

Thủy Trúc

Theo Kinh tế & Đô thị