Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội cho rằng, một số tỉnh đang gặp khó khăn khi huy động ngân sách hoạt động cho các trường đại học địa phương. Từ đó, xuất hiện xu hướng trường đại học địa phương sáp nhập vào các đại học trọng điểm quốc gia với mong muốn nhận được hỗ trợ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, ngân sách.
Tuy nhiên, các trường địa phương sau khi sáp nhập hầu như không nhận được sự hỗ trợ về ngân sách từ các đại học trọng điểm quốc gia. Các trường địa phương còn phải thay đổi sứ mệnh, chương trình đào tạo, cơ cấu nhân lực… phù hợp với các trường lớn. Thậm chí ở một số nơi có tình trạng trường "thành viên địa phương" còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho "trường mẹ".
Theo Hiệp hội, dù đất nước đang gặp khó khăn về kinh tế nhưng không phải vì thế mà một số địa phương "hy sinh" trường đại học địa phương bằng cách sáp nhập.
Sau nhiều lần làm việc với các trường đại học địa phương, Hiệp hội nhận thấy hiện tượng đáng lo ngại là nhiều lãnh đạo đang cố gắng vận động thực hiện việc sáp nhập trên. "Đây là động thái rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống giáo dục đại học đất nước", văn bản có đoạn.
Việc sáp nhập các trường đại học địa phương vào đại học trọng điểm quốc gia về hình thức vốn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đẳng cấp và năng lực tài chính cho các trường đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế điều kỳ vọng đó sẽ không đạt được, thậm chí còn làm cho các trường địa phương có nguy cơ bị tiêu vong.
Theo hiệp hội, việc đưa đại học địa phương làm trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia là sự hợp nhất khiên cưỡng. Mô hình này có sứ mệnh, chuẩn mực kiểm định và cơ cấu trình độ nhân lực khác nhau; nói đúng hơn là có đẳng cấp khác nhau.
Trường đại học địa phương được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương. Do đó trường phải được cộng đồng người địa phương nuôi dưỡng và dần dần nâng cao chất lượng đào tạo bằng khoản trích ra từ tiền thuế do chính họ đóng góp cho chính quyền. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho các trường thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập.
Nếu các trường gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, thì lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô hoạt động hoặc vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới. Đồng thời cần khuyến khích nhà trường năng động, tự chủ từng phần, đa dạng hóa loại hình đào tạo, liên kết với các trường cao đẳng, đại học khác.... Tuyệt đối không nên chọn giải pháp giải thể hoặc chuyển loại hình, sứ mạng của trường.
Hà Cường
Theo VTC News