Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 thu 55 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 16,83 tỷ USD, tăng 7,5%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,53 tỷ USD, tăng 38%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 13,26 tỷ USD, tăng 10,8%.

Kết quả trên khẳng định nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường gây nhiều thiệt hại; tình hình thế giới biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường; áp lực lạm phát, rủi ro thu hẹp thị trường gia tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng... 

Nhờ vậy, sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh với thặng dư thương mại 9 tháng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 với 7 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD.  

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 thu 55 tỷ USD - Ảnh 1

Tuy đạt được những kết quả tích cực trong sản xuất, nhưng những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài đã từng bước được giải quyết, nhưng chưa triệt để, cần có thời gian. Trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng, nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người sản xuất. Trong thời gian gần đây, thị trường phân bón trong nước tương đối ổn định, chỉ có giá phân kali và DAP tăng do phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thị trường phân bón Việt Nam đang gặp hàng loạt những thách thức, từ nguồn cung nhập khẩu đắt đỏ, đến chi phí nhiên liệu sản xuất tăng cao, ngoài ra còn có áp lực chi phí vận chuyển tăng. Do vậy, trong ngắn hạn, giá các mặt hàng phân bón phụ thuộc vào nhập khẩu có thể tiếp tục tăng khó có thể giảm sâu.

Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung và giá mức hợp lý, cộng với trong nước các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long sắp bước vào sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, Bộ đề nghị doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô vơ; rà soát, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý.

Gần đây, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước biến động tăng ở các tỉnh phía Nam và ổn định tại phía Bắc. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới được dự báo có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn do nguồn cung dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng đàn, tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định vào giai đoạn cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ngành sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu; tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.

Ngành tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số CPI trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Bên cạnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng các địa phương có các giải pháp chủ động phòng chống, khắc phục, điều chỉnh sản xuất phù hợp, hạn chế gây biến động giá cả nông sản.

Ngoài ra, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.

Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây…).

Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng Bộ NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 5 tỷ USD).

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực thực phẩm (như mới đây là chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc dần nới lỏng hạn chế xuất nhập khẩu khi thực thi chính sách “zezo Covid”…); tăng cường hợp tác quốc tế; tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu.

Bảo An