Bốn mục tiêu thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quá trình thực hiện các mục tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh.

Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), diễn ra vào cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai thực hiện chiến lược.

Ngay sau đó, tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-BKHĐT, quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Trong Thông tư này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra 4 mục tiêu rất rõ ràng. Đó là giảm cường độ khí phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu.

PV: Thưa Bộ trưởng, dựa vào những tiêu chí, mục tiêu nào để Bộ kế hoạch và đầu tư xây dựng bộ tiêu chí tăng trưởng xanh?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để có bộ chỉ tiêu thống kê đánh giá, giám sát toàn diện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đồng thời thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và ban hành Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Bộ chỉ tiêu được xây dựng theo các tiêu chí sau:

Thứ nhất, phản ánh những nội dung của các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược; các hoạt động ưu tiên đã nêu trong chiến lược tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Thứ hai, phù hợp với bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) để Việt Nam có thể ứng dụng, so sánh đánh giá về tăng trưởng xanh của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Thứ ba, các chỉ tiêu trong bộ chỉ tiêu xanh đơn giản, dễ hiểu được định nghĩa rõ ràng, thống nhất, phù hợp chuẩn mực và thông lệ quốc tế; song phải có khả năng lượng hóa trên cơ sở hệ thống dữ liệu thống kê hiện hành và khả năng sẵn có của dữ liệu.

Thứ tư, bộ chỉ tiêu được xây dựng phù hợp với nguồn lực và cơ chế vận hành hiện hành của Việt Nam.

Thứ năm, bộ chỉ tiêu có “tính mở” để có thể cập nhật phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh sẽ là công cụ hiệu quả, khả thi nhằm lượng hóa kết quả, quá trình thực hiện mục tiêu, giải pháp  phục vụ giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng đây sẽ là công cụ hiệu quả để đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Bên cạnh đó một số chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu có phân tổ tới cấp tỉnh và là căn cứ quan trọng để các địa phương cùng đánh giá tình hình thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh trên địa bàn.

Bốn mục tiêu thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - Ảnh 1

PV: Trong bộ tiêu chí này, theo Bộ trưởng những mục tiêu nào là khả thi và những mục tiêu nào Việt Nam phải thật sự cố gắng để thực hiện được?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh được xây dựng theo 2 lộ trình, lộ trình A là những chỉ tiêu sẵn có, đã có số liệu hoặc có nguồn thông tin để biên soạn và sẽ được tiến hành ngay trong năm 2023.

Lộ trình B là những chỉ tiêu mới, gồm 19 chỉ tiêu cần hoàn thiện về phân loại xanh, tiêu chí xanh và nguồn thông tin để biên soạn, những chỉ tiêu này sẽ được thực hiện từ năm 2026.

Như vậy, đối với các chỉ tiêu thuộc lộ trình A sẽ có tính khả thi cao, sẽ thực hiện được ngay, đặc biệt đối với các chỉ tiêu đã được công bố định kỳ.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu rất khó khăn trong tổ chức thực hiện cũng như đánh giá đo lường, đặc biệt là các chỉ tiêu theo lộ trình B như các chỉ tiêu: Tỷ lệ các cơ sở đạt tiêu chuẩn cơ sở y tế xanh, bền vững so với tổng số cơ sở y tế; Tỷ lệ vốn đầu tư công xanh so với tổng vốn đầu tư công; Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng; Tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh trong tổng trái phiếu đã phát hành; Tỷ lệ chi đầu tư công xanh so với tổng chi ngân sách nhà nước; Tỷ lệ các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn xanh Số lao động có việc làm xanh trong nền kinh tế; Tỷ lệ đóng góp của hoạt động du lịch trong GDP,…

Do đó, để thực hiện thành công những chỉ tiêu này cần sự vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong quá trình triển khai, thực hiện.

PV: Một số tiêu chí sẽ mất rất nhiều thời gian để đồng bộ, thống nhất thực hiện giữa các Bộ, ngành và các địa phương. Vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có dự trù thế nào về việc thực hiện bộ tiêu chí này?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ "xanh hoá" trong các ngành kinh tế…

Các chỉ tiêu này được phân công cho nhiều Bộ, ngành, cơ quan chủ trì thu thập, tổng hợp; trong đó có nhiều chỉ tiêu khó, chưa thực hiện được ngay do chưa xây dựng được phân loại xanh, tiêu chuẩn xanh, cần có thời gian và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương.

Các Bộ ngành, địa phương cần dành thời gian để nghiên cứu nội dung chỉ tiêu, triển khai thu thập thông tin, tính toán và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

PV: Để hoàn thành các mục tiêu của Bộ tiêu chí, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về kế hoạch triển khai và giải pháp triển khai trong thời gian tới như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:Đây là bộ chỉ tiêu mới, khó cần có sự phối hợp, thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, để có thể thu thập, biên soạn đầy đủ các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh nhằm giám sát, đánh giá toàn diện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai các công việc trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT ngày 01/11/2023 quy định Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương bổ sung việc thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công vào Kế hoạch hành động của Bộ, ngành và bố trí nguồn lực để thực hiện như: xây dựng báo cáo và các hình thức chia sẻ thông tin đối với các chỉ tiêu được giao chủ trì và gửi kết quả cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp;

Bộ sẽ triển khai xây dựng khung giám sát đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó tích hợp Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá danh mục và nội dung các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!