Nhóm xi măng vẫn ở trong thế dư cung năm 2020
Trong khi giá thép tăng kỷ lục trong năm 2020, giá than cũng tăng theo, giá điện về cơ bản cũng tăng lên (đối với sản xuất) thì giá xi măng vẫn chưa được tăng. Điều này đã khiến các doanh nghiệp xi măng vẫn ở trong thế khó.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2020 cho thấy, CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) hiện dẫn đầu thị phần tại khu vực miền Nam, chỉ lãi 154 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần giảm xuống còn 2.212 tỷ đồng.
Kết quả năm 2020, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.963 tỷ đồng, lãi sau thuế 615 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 17% so với năm 2019.
Trong khi đó, báo cáo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho thấy năm 2020, doanh thu thuần toàn công ty đã giảm 2.508 tỷ đồng và lãi trước thuế cũng mất đi khoảng 1.149 tỷ đồng, lần lượt ghi nhận 32.366 tỷ đồng và 2.032 tỷ đồng, hoàn thành sít sao kế hoạch năm.
Doanh nghiệp nhựa vững chãi qua mùa dịch
Nhà máy CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Minh Hằng).
Ở diễn biến của mảng sản xuất nhựa, kết quả kinh doanh quý IV của hai doanh nghiệp đại diện là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) diễn biến trái chiều.
Giá dầu bắt đầu hồi phục trong quý IV nhưng vẫn ở mức thấp cũng là cơ hội thúc đẩy lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp ngành nhựa với nguyên liệu đầu vào chủ yếu là hạt nhựa PVC, HDPE.
Trong khi Nhựa Tiền Phong báo lãi quý IV giảm 2 tỷ đồng về 105 tỷ đồng sau thuế do tăng chi phí bán hàng, thì Nhựa Bình Minh báo lãi tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước đó với con số gần 110 tỷ đồng. Cả hai công ty đều có biên lãi gộp tăng trưởng.
Mảng gạch ngói vẫn chưa thể phục hồi một sớm một chiều
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định trong năm 2020, các lĩnh vực khác của ngành vật liệu xây dựng còn đang tồn kho rất lớn, như gạch ốp lát, kính xây dựng, gạch, ngói… và đang có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt từ gạch nhập lậu từ Trung Quốc và chưa tạo ra sự khác biệt về sản phẩm.
Một công ty trong mảng gạch đại diện là CTCP CMC (Mã: CVT), chuyên sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét và sản xuất các sản phẩm gốm sứ có kết quả kinh doanh tụt dốc trong quý IV.
Kết quả, doanh thu thuần của công ty đạt 387 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn 32 tỷ đồng, chỉ bằng 56% của quý IV/2019.
Cùng chung số phận, CTCP Gạch ngói Nhị Hiệp (Mã: NHC) báo lãi quý IV gần 4 tỷ đồng, bằng 68% cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần giảm 59% về còn gần 13 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp. Đơn vị (tỷ đồng). (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2020).
Doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết ít hưởng lợi từ đầu tư công
Ở mảng đá xây dựng, do đặc thù ngành, giá thành đá xây dựng phụ thuộc nhiều vào chi phí vận chuyển.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán VNDirect, ngoại trừ dự án sân bay Long Thành - Đồng Nai ở khu vực gần các mỏ đá khai thác của các công ty khai thác thì các khu vực khác đều có những công ty tư nhân khác cung ứng cho các cao tốc, vì vậy, tiềm năng tác động của hoạt động đầu tư công lên kết quả kinh doanh của các công ty khai thác đá xây dựng được đánh giá là không cao.
Với trường hợp của CTCP Hóa An (Mã: DHA), công ty sở hữu hai mỏ đá tại tỉnh Đồng Nai này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 104 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế ghi nhận gần 31 tỷ đồng, tăng đến 75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần đến từ giúp công ty ghi nhận chi phí tài chính âm gần 10 tỷ đồng.
Một năm thăng hoa của ngành thép
Riêng với lĩnh vực thép, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã liên tục khiến các nhà đầu tư đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong năm 2020.
Riêng trong quý IV, Hòa Phát ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát.
Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu hợp nhất 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78%. Giá cổ phiếu của công ty này theo đó cũng dậy sóng trong thời gian dài.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Hòa Phát.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước năm 2020, các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi đã tạo thêm động lực cho ngành thép.
VSA cho biết năm 2020, giá thép toàn cầu đã kết thúc một năm bất thường ở mức cao và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2021. Điều này cũng giúp hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng cuối năm.
Đối với Hòa Phát, nhờ sản lượng tăng sau khi đưa thêm các lò cao tại Khu Liên hợp Dung Quất vào hoạt động, cùng với giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng cao trong các tháng cuối năm đã góp phần đẩy lợi nhuận công ty tăng mạnh.
Một số doanh nghiệp trong ngành thép theo đó cũng đã được "cải tử hoàn sinh" nhờ giá thép tăng, đơn cử như trường hợp của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) và Thép Pomina (Mã: POM).
Riêng quý IV/2020, Thép SMC đã chuyển từ trạng thái lỗ 6 tỷ đồng cùng kỳ thành lãi 154 tỷ đồng. Quý IV/2020 cũng là quý ghi nhận mức lợi nhuận của SMC cao nhất kể từ khi hoạt động.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Thép Pomina là 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 58 tỷ đồng. Theo giải trình, dự án lò cao đi vào hoạt động trong quý IV đã mang lại hiệu quả giá thành giảm. Đồng thời, lãi vay và chi phí hoạt động giảm, cùng với khoản lợi nhuận khác hơn 50 tỷ đồng đã giúp công ty chuyển từ trạng thái lỗ sang lãi 144 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp ngành tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng hưởng lợi kép nhờ sản lượng tiêu thị và giá bán cùng tăng trong khi doanh nghiệp lưu kho giá vật liệu thấp.
Theo Chứng khoán SSI, tỷ suất lợi nhuận tăng do Hoa Sen tích lũy được nguyên liệu HRC giá rẻ trong khi giá HRC trên thị trường ước tính tăng 35% trong quý gần đây lên khoảng 700 USD/tấn vào cuối năm 2020.
Triển vọng còn, nhưng dư địa tăng biên lợi nhuận năm 2021 đã hẹp hơn
Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của VNDirect, ngành vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.
Theo ước tính của VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23.700 tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu. Riêng đối với thép xây dựng, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 6.400 tỷ đồng trong năm nay.
Một động lực khác cho ngành vật liệu xây dựng là từ mảng xuất khẩu, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI). Xuất khẩu thép và xi măng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Đồng thời, doanh nghiệp thép Việt Nam có thể được hưởng lợi một phần từ kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Cũng cho rằng ngành vật liệu xây dựng còn triển vọng tăng trưởng trong năm 2021, nhưng các chuyên gia phân tích từ CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, các doanh nghiệp phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào sẽ khó có khả năng tăng biên lợi nhuận so với năm 2020.
VCSC cho rằng, áp lực cạnh tranh hiện tại trong ngành, giá nguyên liệu đầu vào cao và ngành bất động sản nhà ở tăng trưởng khiêm tốn sẽ hạn chế dư địa gia tăng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước, bao gồm Hoà Phát, Hoa Sen và Nam Kim (Mã: NKG).
Trong khi đó, giá nhựa đầu vào phục hồi mạnh từ mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2020 sẽ tạo thêm áp lực cho biên lợi nhuận của các nhà sản xuất ống nhựa như BMP trong năm 2021.
Minh Hằng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng