Theo đó, doanh thu 10 tháng năm 2023 ghi nhận 3.036 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ xuất khẩu đạt 736 tỷ đồng, chiếm 24%.
Về cơ cấu doanh thu 10 tháng, xuất khẩu chiếm 24% tỷ trọng với doanh thu 736 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Nhờ thực hiện một vài thay đổi trong cơ cấu các kênh bán hàng, cùng với chi phí sản xuất được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu giảm nhẹ so với cùng kỳ, biên lãi gộp duy trì ở mức 44%; biên lãi ròng cải thiện từ mức 12% cùng kỳ lên 16%.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý 910 tỷ đồng, chiếm gần 30% doanh thu 10 tháng, tăng 9% so với cùng kỳ. TLG cho biết đang tập trung thực hiện đầu tư chi phí cho nhân sự bán hàng và đào tạo nhân lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, chi phí gia tăng một phần đến từ việc mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ Clever Box.
Năm 2023, Thiên Long đặt kế hoạch doanh thu 4,000 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2022) và lãi sau thuế đạt 400 tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ), biên lãi ròng 10%.
TLG cho biết, trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt với OEM đang đối mặt với nhiều thách thức từ bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế.
Dù lợi nhuận 10 tháng có phần sụt giảm, mỗi ngày trong 10 tháng qua, TLG vẫn thu lãi hơn 1,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đi ngang ở mức 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 tháng, TLG đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và 87% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trên thị trường, giá cổ phiếu TLG đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/12 ở mức 50.400 đồng/cổ phiếu, tăng 1,1%.
Được biết, Thiên Long (TLG) là nhà sản xuất văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam với sản phẩm đa dạng bao gồm bút viết (chiếm 60% thị phần trong nước), dụng cụ văn phòng... Ngoài ra, Công ty còn đẩy mạnh xuất khẩu và hợp tác với những “ông lớn” ngành tiêu dùng như Newell Brands (Mỹ).
Giai đoạn 2013-2019, TLG ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng liên tục nhưng đã ngắt chuỗi vào hai năm 2020-2021 do dịch COVID-19 khiến nhiều trường học đóng cửa. Đến năm 2022, khi tình hình được kiểm soát, Công ty đạt 401 tỷ đồng lãi ròng, mức cao nhất từ trước đến nay. Biên lãi gộp tăng lên 43%, từ mức 42% cùng kỳ.
TLG hiện là hãng bút bi duy nhất trên sàn chứng khoán. Các đối thủ của công ty trên thị trường là Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Bến Nghé. Trong đó, Hồng Hà từng giao dịch trên hệ thống UPCoM với mã HHA và có giai đoạn leo lên vùng giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, Hồng Hà đã rời sàn chứng khoán vào cuối năm 2019.
Định hướng tới năm 2027, Thiên Long đặt kế hoạch đạt 10,000 tỷ đồng doanh thu, đến từ 3 mảng chính là mảng xuất khẩu (chiếm 25%), mảng nội địa (tăng về giá trị) và mảng mới. Trong kế hoạch này, có tỷ lệ tăng mặt bằng giá bán từ 50-70% theo lộ trình 5 năm.
Tiến Hoàng