BVSC: Thị trường trái phiếu trong tuần đến ngày 11/12

Trong tuần qua, tổng GTGD Outright đạt 50.279 tỷ đồng, tăng 55,02% so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch Repos đạt mức 29.056 tỷ đồng (tăng 79,74%).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thị trường TPCP sơ cấp

Theo bản tin thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần từ 7/12 đến 11/12/2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức gọi thầu tại 3 loại kỳ hạn: 10 năm, 15 năm và 30 năm. Khối lượng gọi thầu cho 3 loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 2.500 tỷ, 4.000 tỷ và 1.000 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC

Kết quả: lượng đặt thầu cho kỳ hạn 10 năm bằng 3,94 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 2,36% - giảm 0,06% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 15 năm bằng 2,49 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 2,59% - giảm 0,03% so với lần trúng thầu gần nhất. Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 30 năm gấp 3,1 giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 3,17% - giảm 0,07% so với lần trúng thầu gần nhất.

Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC

Dự báo các phiên đấu thầu trong thời gian tới: Trong tuần này, dự kiến KBNN sẽ gọi thầu 8.000 tỷ đồng tại 4 kỳ hạn: 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Tuần qua, KBNN đã ra thông báo bổ sung kế hoạch năm 2020 và kế hoạch đấu thầu TPCP Q4/2020.

Theo đó, tổng khối lượng bổ sung tối đa là 30 nghìn tỷ đồng, tập trung vào trái phiếu dài hạn với kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Như vậy, sau 02 tuần đầu tiên của tháng 12, tổng khối lượng TPCP phát hành năm 2020 đã đạt hơn 91% kế hoạch năm (đã điều chỉnh và bổ sung).

Với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, BVSC cho rằng tỷ lệ trúng thầu TPCP sẽ tiếp tục ở mức cao với lãi suất có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ.

Thị trường TPCP thứ cấp

Trong tuần qua, tổng GTGD Outright đạt 50.279 tỷ đồng, tăng 55,02% so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch Repos đạt mức 29.056 tỷ đồng (tăng 79,74%).

Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC

Cũng trong tuần qua, khối ngoại thực hiện mua ròng 809 tỷ đồng. Cụ thể, đã có 1.318 tỷ đồng được mua vào trong khi 509 tỷ đồng bị bán ra. Như vậy, lượng mua ròng luỹ kế từ đầu năm của khối ngoại đã tăng lên 5.352 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC

Lợi suất trên thị trường thứ cấp trong tuần qua giảm ở các kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 20 năm, với mức giảm lần lượt là 0,05%; 0,01% và 0,03%. Ngược lại, lợi suất của các kỳ hạn 10 năm, 15 năm tăng nhẹ lần lượt 0,01% và 0,02%.

Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC

Trong tuần, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Thái Lan và Indonesia có chung diễn biến giảm, ở mức lần lượt là 0,02% và 0,06%. Ngược lại, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Malaysia và Trung Quốc tăng nhẹ 0,05% và 0,01%; trong khi, Philippines giữ nguyên không đổi ở mức 2, 19%/năm trong 14 tuần liên tiếp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị đăng ký và phát hành của TPDN đã tăng trở lại trong tháng 11, sau khi chạm đáy 08 tháng trong tháng 10. Cụ thể, giá trị đăng ký trong tháng 11 đạt 17.979 tỷ đồng (tăng 18,67%), trong khi giá trị phát hành đạt 10.625 tỷ đồng (tăng 11,80%). Mặc dù tăng trở lại, tổng giá trị đăng ký và phát hành của TPDN trong tháng 11 vẫn ở mức thấp, dưới mức trung bình trong năm 2020. BVSC cho rằng giá trị đăng ký và phát hành TPDN sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong tháng cuối cùng của năm, như ba tháng vừa qua, sau khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định ố 163/2018/NĐ- chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2020.

Về tỷ trọng, theo số liệu thống kê của Fiin Group, Nhóm Ngân hàng tiếp tục duy trì là nhóm có tổng giá trị phát hành lớn nhất, đạt 5.816 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,65% trong tổng giá trị phát hành tháng 11. Theo sau là ngành Bất động sản, chiếm 23,13% tổng giá trị phát hành tháng 11, tại mức 3,310 tỷ đồng.

Như vậy, luỹ kế 11 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị phát hành TPDN đạt trên 372.000 tỷ đồng (theo số liệu của Fiin Group). Trong đó, nhóm bất động sản, mặc dù có tỷ trọng phát hành sụt giảm trong 03 tháng gần đây vẫn là nhóm có tổng giá trị phát hành TPDN lớn nhất, chiếm hơn 36% tổng giá trị phát hành, với lãi suất trung bình 10,52%. Tiếp sau đó là ngành Ngân hàng (chiếm trên 27%) với lãi suất trung bình 6,69% và ngành Điện, nước, xăng dầu, khí đốt (chiếm gần 8%), với lãi suất trung bình 10,5%. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trung bình 11 tháng đầu năm nay tiếp tục duy trì quanh mức 9,3%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8,84% năm 2019).

Trong tháng 11/2020, các doanh nghiệp có lượng huy động lớn thông qua kênh trái phiếu bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (xấp xỉ 3.500 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Cưu Điện Liên Việt (trên 2.000 tỷ đồng) và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (2.000 tỷ đồng).

Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC
Nguồn: Báo cáo BVSC

Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải. 

Tú Thành