Các chính sách đặc thù thúc đẩy mở rộng diện tích trồng cây dược liệu

Việc trồng và sử dụng các loại thảo dược không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để ngành dược liệu Việt Nam có những bước phát triển nhanh, mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ xa xưa, cây dược liệu được trồng và sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở trên mọi miền đất nước Việt Nam. Do các loại cây dược liệu chứa nhiều loại hoạt chất tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của con người. Chúng không chỉ dùng làm gia vị mà còn được dùng bổ sung vào trà, cà phê và các đồ uống khác. Hiện nay, các sản phẩm từ cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm do những thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, phải kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực tại nhiều quốc gia.

Tiềm năng phát triển của cây dược liệu Việt Nam

Trên thị trường hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ đang ngày càng tăng cao, khiến cho cây dược liệu trở thành một nguồn nguyên liệu quý giá. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường tiêu dùng trong nước cung như trên thế giới. Gần đây ngành y tế đã công bố một số công trình nghiên cứu công dụng của cây Cà gai leo cho kết quả rất tốt khi làm thuốc chữa căn bệnh viêm gan đặc biệt là viêm gan B mạn tính thể hoạt động. Đông y cho rằng Cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, đau lưng, nhức xương, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu, trị rắn cắn, viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ… Ngoài Cà gai leo, thì cây Mật gấu dùng điều trị các bệnh sốt rét, thương hàn, tiểu đường, tiêu chảy, lao, sỏi mật và bệnh thận cho đến phòng ngừa ung thư và hạ huyết áp. Cây Lá vối cũng được xem là vị cứu tinh với những người bị bệnh gout. Bởi trong thành phần hóa học của cây, lá và nụ vối có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là đối thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc. Bệnh nhân gout là do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng nhiều chất uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết đào thải không tốt dẫn đến uric ứ đọng ở các khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau khớp. Bên cạnh cây Lá vối, thì cây Xạ đen cũng được xem là “thần dược”, cây xạ đen có vị đắng, hơi chát, tính hàn và có công dụng giải độc, trị viêm gan, các bệnh ung bướu, tiêu viêm, mụn nhọt, vàng da, hoạt huyết, giảm đau, tăng sức đề kháng cho cơ thể, an thần…

Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028. Việt Nam hiện đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu như quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Việt Nam đứng sau Indonesia và Trung Quốc về sản lượng sản xuất và xuất khẩu quế trên thế giới. Quế, hồi Việt Nam cũng đang được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi.  Riêng năm tài chính 2022 - 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ. Năm 2022 một thị trường khác cũng có nhu cầu cao với quế và hồi là Pakistan đã nhập khẩu 7.000 tấn quế, trong đó quế Việt Nam chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021. Với những tiềm năng kinh tế và xã hội lớn mà cây dược liệu mang lại, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích nuôi trồng, chế biến, sản xuất, sử dụng nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh phát triển ngành dược liệu.

Các chính sách đặc thù thúc đẩy mở rộng diện tích trồng cây dược liệu - Ảnh 1

Những loại thảo dược dùng phổ biến (Ảnh minh họa ).

Các chính sách phát triển cây dược liệu

Do nhu cầu tiêu thụ về dược liệu trong nước cũng như trên thế giới có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhằm phát huy điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu góp phần phát triển kinh tế-xã hội . Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích sản xuất nông nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng như:

- Khoản 3 Điều 8 Luật Dược năm 2016, quy định: Phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; theo đó: miễn giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tích tụ đất đai; hỗ trợ xây dựng hạ tầng bình quân 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ tín dụng, lãi suất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát tiển thị trường.

- Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định Chính sách đặc thù về giống, công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Theo đó hỗ trợ cơ sở sản xuất giống từ 02-03 tỷ đồng; hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/ha nuôi trồng cây dược liệu; hỗ trợ 100% chi phí để thực hiện tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn GACP; miễn giảm tiền thuê đất.

- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông; theo đó hỗ trợ về bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; hỗ trợ nhân rộng mô hình. - Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đonạ từ năm 2021 đến năm 2023, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Theo đó cho vay vốn để trồng dược 25 liệu quý, tối đa 96 tỷ đồng; đối với Dự án trung tâm nhân giống, thời hạn tối đa là 92 tỷ đồng, thời hạn không quá 10 năm.

- Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; theo đó hỗ trợ xây dựng vùng trồng dược liệu quý tại các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, theo đó hỗ trợ phát triển nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 phát triển tối thiểu 2.300 ha.

Trồng cây dược liệu đã được nhiều địa phương triển khai (Nguồn internet)  
Trồng cây dược liệu đã được nhiều địa phương triển khai (Nguồn internet)  

Những tác động tích cực tới đời sống của người dân

Có thể thấy, việc Chính phủ ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư trồng cây dược liệu đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nhiều địa phương tập trung phát triển cây dược liệu mang nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế đất nước. Nhiều nơi đã kết hợp tiềm năng, lợi thế về đất đai, về tài nguyên rừng, về điều kiện tự nhiên điển hình như các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam, Kon Tum ... từ đó đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp dược trong nước và xuất khẩu. Đóng góp không nhỏ cho nguồn thu của địa phương; góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ gia đình nhận đất, nhận rừng, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, xa góp phần phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi.

Các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu để phát triển ngành dược liệu Việt Nam thành một ngành lớn. Tạo bước đêm để chuẩn bị tăng cường xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua việc tiếp cận các thị trường quốc tế. Đồng thời, việc áp dụng các phương pháp canh tác phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường và bảo vệ nguồn lợi của đất đai và nguồn nước, cũng như các giới hạn vi sinh vật, giới hạn bảo vệ thực vật. Đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Tâm Ngọc

Từ khóa: