Nền nông nghiệp nước ta phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mang tính mùa vụ, tập quán canh tác manh mún và hạn chế tích tụ ruộng đất là những rào cản lớn để thực hành cánh đồng lớn. Chính vì thế, nông sản trong nước khó xuất khẩu vì sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không đảm bảo các yếu tố về chất lượng theo tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, đa số vẫn còn xuất thô, chưa qua chế biến sâu khiến cho giá trị nông sản xuất khẩu không cao…
Đó là những lý do chính khiến cho nông sản Việt Nam chưa được định vị cao tại thị trường quốc tế và thị trường xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Việc đầu tư bài bản vào nông nghiệp cũng không thể tạo nên những hiệu quả mang tính đột biến trong thời gian ngắn hạn mà phải là câu chuyện của đường dài. Chẳng hạn, làm lúa gạo phải làm từ gốc, đầu tư vào toàn chuỗi từ liên kết cánh đồng đến bao tiêu thu hoạch, xử lý sau chế biến, sau đó mới là thị trường đầu ra.
Để thay đổi từ làm nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, con đường duy nhất là phải liên kết nhà nước – doanh nghiệp – hợp tác xã và nông dân để hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất lớn, định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tăng hàm lượng sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.
Để xây dựng nền nông nghiệp theo định hướng hiện đại, bền vững, cần xác định thực hành nông nghiệp nên gắn liền với khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Bên cạnh những cơ hội, ngành nông nghiệp nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn mang tính đặc thù như chi phí đầu vào, vận hành cao trong khi chất lượng sản phẩm đầu ra chưa đồng nhất. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ được xem là chìa khóa mở ra tương lai mới của ngành nông nghiệp - hiệu quả, tối ưu trên toàn chuỗi sản xuất và phát triển bền vững.
Để khắc phục những khó khăn về chuyển đổi số nông nghiệp, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã về hạ tầng kết nối thông tin, hạ tầng dữ liệu để áp dụng vào sản xuất; đồng thời sử dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin, giao dịch thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hợp tác xã. Mặt khác là hỗ trợ hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác… Qua đó góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn và hướng đến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với Bộ NN&PTNT kiện toàn Trung tâm Chuyển đổi số nông nghiệp để có đơn vị chuyên trách đủ về năng lực. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể nói, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để quá trình này đạt hiệu quả cao hơn nữa, người sản xuất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 đến 5 năm) và xác định những nền tảng cần có theo đặc thù sản xuất của đơn vị. Các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin giúp hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý tốt hơn đầu vào - đầu ra, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.