Tháng 6 cận kề là thời điểm các sản phẩm nông sản của nhiều địa phương bắt đầu vào mùa vụ. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, từ những tháng đầu năm 2022, ngành chức năng tại các tỉnh, thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành các Kế hoạch về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử, đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, các bên tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân bằng nhiều hình thức.
Cụ thể như chương trình tập huấn đào tạo về kỹ năng kinh doanh trên thương mại điện tử, các hội nghị kết nối nông sản trên thương mại điện tử nhằm hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực địa phương ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên hay Bắc Kạn là các tỉnh, thành có thế mạnh về các mặt hàng nông đặc sản địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng như vải thiều, mận hậu, xoài, dâu tây, bưởi, nhãn lồng, bí xanh... Thế nhưng, ngoài việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cũng cần tập trung phát triển tại thị trường trong nước và mở rộng kênh phân phối khi kinh tế số trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng.
Trước thực tế cần có phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản chính vụ và đặc sản địa phương, được sự chỉ đạo phối hợp từ Bộ Công Thương về việc hỗ trợ các sở, ban, ngành tại các địa phương có nông sản vào vụ thu hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn số 449/TMĐT-TTCNS gửi các sàn thương mại điện tử lớn về việc hướng dẫn, phối hợp và tổ chức kết nối, triển khai các phương án phân phối đặc sản địa phương, sản phẩm nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch trên môi trường trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử lớn gồm Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada...
Thông qua công tác tổ chức, kết nối từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và Sendo đã sớm đưa ra phương án cũng như kế hoạch chuẩn bị trước để đào tạo, hướng dẫn các hộ dân tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên qua kênh hướng dẫn trực tuyến hay các bộ tài liệu hướng dẫn đăng ký gian hàng, cách thức bán hàng, đăng bán sản phẩm, quản lý đơn hàng … cho các sản phẩm Vải thiều Bắc Giang, Mận Sơn La, Nhãn Hưng Yên, Bí xanh Bắc Kạn
Hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành, logistics.
Đáng lưu ý, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ từ các UBND tỉnh, các Sở Công Thương địa phương, sự kết nối từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và sự hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử lớn, việc phân phối nông sản vào chính vụ của người dân trên các nền tảng trực tuyến đã bài bản, quy trình dễ dàng, các giải pháp số trong nông nghiệp đa dạng hơn và dần nâng cao được giá trị của các sản phẩm nông sản của địa phương.
Nằm trong Kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Postmart, mặc dù mới vào đầu mùa nhưng sàn thương mại điện tử Postmart đã kết nối với các tỉnh, thành và tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi. Điển hình như na Lạng Sơn tiêu thụ gần 100 tấn, nhãn Đồng Tháp, Hưng Yên tiêu thụ được gần 300 tấn, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đạt 163 tấn…
Tại tỉnh Sơn La, các sản phẩm trái cây đa dạng, phong phú, như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn,… đang bắt đầu bước vào mùa vụ thu hoạch. Tỉnh Sơn La đã triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử: Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Trong khuôn khổ hoạt động chung tay tiêu thụ đặc sản Việt, chào Hè năm nay sàn thương mại điện tử Sendo, Voso.vn, Postmart.vn đã ra mắt các gian hàng hoa quả nhiệt đới như mận Sơn La, dứa mật, xoài ... với các lựa chọn đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, giá thành ưu đãi đã lên sàn.
Với lợi thế về mạng lưới vận chuyển rộng khắp các tỉnh thành của Viettel Post hay Vietnam Post, mận hậu Sơn La được đặt mua trên các sàn đều được đảm bảo chính gốc từ vườn, ngon sạch tự nhiên, đóng hộp đúng quy chuẩn trên thương mại điện tử và vận chuyển cẩn thận đến tay khách hàng được tươi ngon nhất.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, có thể thấy rằng, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên thương mại điện tử đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với vải thiều Bắc Giang, tiếp nối những thành công từ vụ vải thiều Bắc Giang năm 2021 trên thương mại điện tử, đầu tháng 4, sàn thương mại điện tử Sendo đã lên kế hoạch đưa vải thiều Hải Dương, Bắc Giang lên phân phối trên sàn.
Cùng với đó, Đoàn công tác của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng sàn thương mại điện tử Sendo đã tổ chức chương trình làm việc khảo sát tại Hải Dương và huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, làm việc với Sở Công Thương Bắc Giang, lãnh đạo huyện Thanh Hà, Hải Dương cũng như trực tiếp với các nhà vườn, hợp tác xã tại 2 địa phương có trái vải ngon nổi tiếng.
Thông qua đó đã có những kết quả tích cực khi năm nay thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo một mùa vải thiều Bắc Giang hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội, hy vọng sẽ tiếp tục “cháy hàng” trên sàn thương mại điện tử Sendo.
Bên cạnh các hội nghị tại Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, tháng 6 này tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức sự kiện tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể và các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh trên thương mại điện tử gắn với hoạt động trải nghiệm, quảng bá, địa danh du lịch. Sự kiện quy mô cấp tỉnh, dự kiến diễn ra từ ngày 1/06.
Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị sở, ban ngành tại các tỉnh, thành triển khai các hoạt động tập huấn đào tạo kỹ năng kinh doanh trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, các hội nghị tại các tỉnh thành khác như Bình Định, Cần Thơ. Đồng thời, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn để hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc sản nông sản vùng miền lên sàn, giới thiệu các sản phẩm đạt chất lượng cao như dứa mật Na Sang, cam sành Vĩnh Long, xoài Sơn La, nhãn Hưng Yên.
Bảo An (t/h)