Mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong gần 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh với biến chủng Delta diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.
Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế/hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, doanh nhân được ưu tiên tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương là “thành trì” vững chắc
Nhằm thực hiện mục tiêu kép cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vào thời điểm hiện tại đã nhanh chóng duy trì hàng tuyến chống dịch, mặt khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi đời sống kinh tế. Trao đổi với Báo giới, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: “Hiện nay, Bình Dương cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, nới lỏng nhưng chúng tôi vẫn không buông lỏng công tác quản lý. Tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải tiếp tục duy trì cao độ công tác PCD”.
Với sáng kiến xây dựng mô hình đưa y tế lưu động hoạt động gần dân ở cơ sở, tỉnh Bình Dương cũng mạnh dạn cho phép nhiều lĩnh vực được hoạt động trở lại, nhất là việc tham gia giao thông, sinh hoạt của người dân.
Ở quy mô cấp huyện, tỉnh Đồng Nai không ghi nhận địa phương nào ở cấp độ 3, 4. Vì thế, địa phương cũng cho phép nhiều lĩnh vực được hoạt động. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất cũng tăng theo. Còn tỉnh Long An vừa triển khai các biện pháp thích nghi với trạng thái bình thường mới, vừa quản lý chặt các địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Dù các ca nhiễm giảm sâu nhưng Long An chỉ thực sự mở cửa khi đáp ứng đủ các điều kiện PCD.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai và Long An đã lên kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho DN. Những vấn đề tập trung tháo gỡ bao gồm: Hỗ trợ tiêm vaccine và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người lao động; làm việc với các ngân hàng giúp DN vay vốn; bảo đảm y tế ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; hỗ trợ xây dựng các nhà máy “xanh”, nhà trọ “xanh”... Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ: “Phục hồi và phát triển KTXH là đòi hỏi khách quan, cấp bách hiện nay. Vì thế, chính quyền, DN và người dân phải chung sức, đồng lòng mới thực hiện được”.
Trong liên kết, phối hợp hiệu quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiểm soát dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128/NQ-CP không nên mỗi nơi, mỗi chỗ ban hành quy định riêng, làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19, địa phương nào còn chốt nên tập trung kiểm soát phòng dịch chứ không kiểm soát việc đi lại để tránh làm khó liên thông giữa các tỉnh, thành trong khu vực vì lượng hàng hóa, người lao động qua lại giữa các tỉnh rất lớn.
Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Minh Long, Doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng trên địa bàn thị xã Giá Rai cho biết, hầu hết các doanh nghiêp phải cắt giảm bớt số lượng công nhân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì sản xuất, có những thời điểm công ty phải cắt giảm lượng công nhân hơn 50%.
Cũng theo ông Trần Văn Diệu, công ty không chỉ áp dụng thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch đối với các nhân viên, công nhân, mà đối với các khách hàng, nhất là các lái xe đến giao và nhận hàng đều được kiểm soát và phòng chống dịch rất nghiêm ngặt.
Đặc biệt, các công nhân đã được tiêm vaccine, trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang y tế; kiểm soát nghiêm ngặt khi ra vào công ty và buộc cam kết khi rời khỏi công ty về nơi cư trú không được giao lưu, tu tập đông người, nêu cao ý thức phòng bệnh, nhằm chủ động ở mức cao nhất, tránh gây ra nguồn lây bệnh vào công ty.
Công ty cổ phần Thủy sản Nha Trang (thị xã Giá Rai) là một trong những đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô khá lớn của tỉnh Bạc Liêu với trên 1.000 công nhân, sản phẩm chế biến của công ty được xuất khẩu sang thị trường EU, Australia, Mỹ, Hàn Quốc... Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc công ty, để phòng, chống có hiệu quả dịch COVID-19, công ty luôn tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền; phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như thu hẹp qui mô sản xuất, cắt giảm số lượng công nhân để đảm bảo giãn cách, trong phòng chống dịch.
Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương chia sẻ, với những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nên hợp tác xã vẫn cố gắng duy trì sản xuất, giữ vùng nguyên liệu. Đối với các hộ đã ký hợp đồng, hợp tác xã vẫn thực hiện việc hỗ trợ phân bón theo hình thức trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… để cùng chia sẻ khó khăn với bà con.
"Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để loại cây trồng chủ lực này phát triển bền vững, tránh tình trạng trồng rồi chặt bỏ, thì việc đa dạng hóa sản phẩm, chủ động tìm kiếm các thị trường mới đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nỗ lực thực hiện. Chia sẻ, đồng hành, những người làm nghề chè đang xoay xở để cùng nhau vượt khó" ông Dương nói.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, ngay từ những ngày đầu xuất hiện các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, lãnh đạo tỉnh nhận định việc áp dụng giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của người dân và doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Đây là lĩnh vực sản xuất mang tính liên kết theo chuỗi có sự tham gia quy mô lớn, liên quan trực tiếp đến việc làm, sản xuất và đời sống của hàng chục nghìn người từ nông dân các vùng nguyên liệu, đến công nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu liên tục cử các Đoàn công tác đến trực tiếp kiểm tra, động viên, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các phương án sản xuất phù hợp trong tình hình có dịch.
Nhờ đó, trong nhiều tháng qua, kể cả thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh dù có giảm về quy mô, số lượng công nhân để thực hiện giãn cách phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động liên tục, đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu, không xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.