Cụ thể, theo dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế đến hết tháng 10/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 209.150 tỷ đồng, cho thấy hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã cải thiện hơn năm ngoái. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm ưu thế với 99.023 tỷ đồng (chiếm 47,3% tổng số), theo sau là nhóm bất động sản với 68.256 tỷ đồng (chiếm 32,6%).
Tuy nhiên, nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp so tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Báo cáo gần đây của VNDirect cho thấy, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tăng trở lại trong tháng cuối năm. Đơn vị này ước tính có khoảng 20.200 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, cao hơn đáng kể so với hai tháng trước đó.
Năm tới, áp lực trả nợ giảm trong hai tháng đầu năm, sau đó nhanh chóng dâng lên. Đến tháng 4/2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn được dự báo lên đến gần 34.500 tỷ đồng.
Nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất ở năm sau với hơn 123.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. "Có thể nói áp lực đáo hạn vẫn đang bủa vây nhóm ngành này trong bối cảnh thị trường vẫn còn ảm đạm".
Theo đơn vị xếp hạng tín dụng VIS Rating, cùng với xây dựng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhìn chung có sức khỏe tài chính ở mức yếu, thể hiện bởi đòn bẩy tài chính cao và nguồn tiền mặt dự trữ thấp. Chỉ số nợ trên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu tính đến quý III là 10,2 lần - cao nhất trong số các ngành.
Lường trước áp lực trả nợ trong tương lai, các doanh nghiệp chủ động có biện pháp thương lượng với trái chủ. Trong tháng 11, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu được VNDirect đánh giá diễn ra tích cực. Tính đến ngày 27/11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố đã có khoảng 64 đơn vị đạt được thỏa thuận khất nợ với tổng giá trị hơn 111.000 tỷ đồng.
Theo thống kế của VnExpress, Riêng trong nửa đầu tháng 12 có 8 doanh nghiệp đạt được thỏa thuận thay đổi điều khoản và điều kiện của 9 lô trái phiếu. Ngoài gia hạn, các doanh nghiệp còn chọn biện pháp xin giảm lãi suất, thay đổi kỳ hạn trả lãi, giãn lộ trình thanh toán vốn gốc Tổng giá trị hơn 8.100 tỷ đồng.
Không chỉ được hỗ trợ từ trái chủ, theo VIS Rating, bản thân các doanh nghiệp cũng cải thiện được khả năng trả nợ nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi, mang về dòng tiền và khả năng tiếp cận nguồn tài chính mới. Nhờ đó, số lượng trái phiếu mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro và tỷ lệ hình thành nợ xấu ở các ngân hàng sẽ chậm hơn kể từ năm sau.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, để không đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này tái cơ cấu lại các khoản nợ. Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ và hoàn thiện những dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường. Đây cũng là “khoảng lặng” giúp nhà đầu tư có thời gian ngừng lại nhìn nhận, kiểm tra điều kiện, từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.
Mặt khác, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như: tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cần có cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác thuộc quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản..., hay kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài...
Tuy nhiên, “về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, phù hợp xu hướng phân bổ tài sản vào trái phiếu của nhà đầu tư. So với nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn. Do đó, nhằm tiếp thêm dư địa cho thị trường trái phiếu, doanh nghiệp cần tăng niềm tin cho khách hàng. Đây là mắt xích quan trọng nhất giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ”.
Tiến Hoàng