Ngành bán lẻ ổn định nguồn cung, kích cầu tiêu dùng
Khi năm 2024 đang dần khép lại, ngành bán lẻ bước vào mùa cao điểm với nhiều thay đổi rõ rệt trong xu hướng tiêu dùng. Cuối năm luôn là thời điểm quan trọng trong chu kỳ tiêu dùng, người tiêu dùng thường chi tiêu mạnh tay cho các dịp lễ Tết, mua sắm cuối năm và chuẩn bị cho năm mới. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ không chỉ chuẩn bị chiến lược marketing mà còn phải ổn định nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Với nhu cầu mua sắm cao trong những tháng cuối năm, ngành công thương các địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng và bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân. Đặc biệt, công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại cũng được chú trọng.
UBND thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định về việc tổ chức Chương trình Khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2- 31/12 và được tổ chức trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi trong thời gian diễn ra chương trình có thể lên đến 100%.
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Sở sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời bám sát chỉ đạo của thành phố để xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.
Cùng đó, Sở cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; trong đó, chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hãng hóa, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Ông Phạm Xuân Trường, chủ cửa hàng tiện ích Kim Oanh trên phố Linh Đàm chia sẻ, để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hiện tại cửa hàng chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp để đặt hàng và nhập khẩu trước các sản phẩm chủ yếu cho dịp cuối năm, đảm bảo đủ lượng hàng hóa cần thiết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đến việc chọn lựa sản phẩm có chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng, các gói quà Tết với giá cả phải chăng cũng được chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu tặng quà của khách hàng.
Thị trường Tết 2025 diễn biến khó lường
Thị trường bán lẻ năm 2024 cũng đã chứng kiến sự dịch chuyển đáng kể trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt. Thói quen tiêu dùng dịp Tết 2025 được nhận định đang thay đổi nhanh và khó dự đoán, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường hàng hóa.
Sau những biến động về kinh tế và xã hội trong năm qua, người tiêu dùng đã thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm, tạo ra một bức tranh thị trường Tết rất khác biệt so với các năm trước. Việc dự đoán chính xác nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Tết 2025 đang là một bài toán khó đối với các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất và nhà cung cấp.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, với những diễn biến khó lường từ những mùa cao điểm mua sắm trong năm cho thấy thị trường bán lẻ khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng. Do đó, đối với mùa mua sắm Tết 2025, đơn vị sản xuất kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng.
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh mùa mua sắm Tết thì bài toán khuyến mãi, giao nhận cũng quan trọng không kém việc doanh nghiệp tập trung cải thiện tính ổn định chất lượng, giá cả sản phẩm… Theo đó, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao không ngừng nỗ lực cung cấp, cập nhật thông tin thị trường cho doanh nghiệp Việt, nhất là những giải pháp “thực chiến” trước biến động thị trường trong và ngoài nước”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, dịp tụ họp linh đình mà để dành thời gian cho bản thân và gia đình hơn. Xu hướng quà tặng ngày Tết cũng ngày càng thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền hơn.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, cùng với thay đổi xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân người tiêu dùng.
Một trong những thay đổi rõ rệt trong xu hướng tiêu dùng Tết 2025 là sự gia tăng mua sắm trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy mạnh các dịch vụ mua sắm online, kết hợp với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Cùng với đó, việc thanh toán linh hoạt qua ví điện tử hay trả góp giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm hơn trong bối cảnh tài chính khó khăn.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên những món quà Tết thiết thực, tốt cho sức khỏe và phù hợp với túi tiền. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025 dự báo sẽ có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là khi thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Các doanh nghiệp bán lẻ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn cung, tối ưu hóa dịch vụ trực tuyến và các chiến lược khuyến mãi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng sẽ là yếu tố quyết định trong việc duy trì và gia tăng thị phần, nhất là khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng trở nên thực tế và thiết thực hơn.