Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông tại các tỉnh phía Bắc là một trong những vụ sản xuất quan trọng với nhiều sản phẩm đa dạng, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Trong bối cảnh nhiều cây trồng, đặc biệt là lúa và rau màu, bị thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão, việc đẩy mạnh sản xuất vụ Đông 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành trồng trọt, tạo thu nhập cho người dân và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.
Mục tiêu của vụ Đông 2024 là phấn đấu đạt diện tích gieo trồng khoảng 420.000 ha, sản lượng đạt khoảng 5 triệu tấn và giá trị sản xuất khoảng 40.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần ưu tiên trồng các loại rau màu ngắn ngày và cây trồng có giá trị kinh tế cao, đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích trồng trọt còn thời vụ cũng rất quan trọng để bù đắp thiệt hại do thiên tai, với phương châm "nước rút đến đâu, gieo trồng đến đó".
Để hỗ trợ sản xuất vụ Đông 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương, loại cây trồng và thị trường tiêu thụ. Các tỉnh cần đảm bảo đạt được mục tiêu về diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu cung cầu của thị trường. Kế hoạch sản xuất vụ Đông cũng cần được điều chỉnh hợp lý để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025.
Các địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho nông dân, khuyến khích các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm vụ Đông một cách hiệu quả.
Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", các địa phương cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa đã chín, tránh thiệt hại do bão và mưa lũ, đồng thời giải phóng đất sớm để trồng cây vụ Đông. Việc bám sát khung thời vụ và theo dõi diễn biến thời tiết là cần thiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông ưa ấm còn thời vụ, phát triển nhóm cây ưa lạnh có lợi thế và khả năng bảo quản dài hạn.
Các cơ quan chuyên môn cần phổ biến các tiến bộ kỹ thuật và mô hình canh tác tiết kiệm nhằm tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời chỉ đạo quản lý phòng trừ sinh vật gây hại. Các địa phương cần tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương trọng điểm để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với điều kiện thời tiết và tình hình nguồn nước. Cục Thủy lợi cần xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý, đảm bảo công tác tưới tiêu và phòng chống ngập úng cho cây trồng vụ Đông.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình hình sinh vật gây hại và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục hỗ trợ kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm vụ Đông hiệu quả.
Các đơn vị chuyên môn cần nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái và mô hình liên kết chuỗi để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp và hiệp hội cần đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp và giống cây trồng, đồng thời giữ giá ổn định và phối hợp sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Đông.