Tình hình ngành chè cả nước
Tính đến năm 2020 Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè; diện tích lên đến 130 nghìn ha, đạt năng suất trung bình 8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt 192 nghìn tấn.
Diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp đến rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).
Hiện nay, Việt nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè. Các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, trong đó có một số giống mang hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng.
Theo thống kê, ngành chè Việt Nam đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về diện tích và thứ 6 về sản lượng chè trên toàn thế giới.
Những năm gần đây, ngành chè nước ta không chỉ có chuyển biến tích cực về diện tích canh tác mà còn tăng về năng suất, sản lượng một cách đáng kể. Cả nước có gần 600 cơ sở sản xuất và cung ứng chè. Trong đó có thể kể đến các vùng trọng điểm chuyên canh như Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng.
Khả năng tiêu thụ chè trong nước ở mức ổn định là 45.000 tấn với giá bán ra thị trường là 150.000 đồng/kg. Một trong những dòng chè được ưa chuộng và có giá thành cao trên thị trường là chè Shan. Doanh thu của chè Shan trong nước đạt khoảng 315 triệu USD, xuất khẩu tiểu ngạch tới 17 triệu USD trong tổng số 552 triệu USD doanh thu toàn ngành.
Có lợi thế về vùng chè nhưng chủ yếu vẫn là tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường dễ tính. Với thị trường trong nước, chè được tiêu thụ mạnh vào các dịp lễ Tết và sự kiện quan trọng. Ngành chè có mức độ xuất khẩu ổn định ở các thị trường như: Pakistan, Trung Quốc, Nga và Indonesia,… Với các thị trường khó tính như Mỹ, EU,.. thì còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Bởi chè Việt Nam chưa đạt những yêu cầu khắt khe trong tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Chất lượng chè, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu của các nước phát triển trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ và Nga thì càng ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Nhiều cơ sở chế biến chè tuy được cấp giấy phép cho xây dựng nhưng lại không có vùng nguyên liệu đáp ứng, ngoài ra trình độ tay nghề trong chế biến còn thấp, dẫn đến chất lượng chè không cao.
Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các khâu sản xuất và chế biến vẫn còn khá lỏng lẻo. Cả nước chỉ có 10% số các công ty/nhà máy chế biến chè đã có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ cho chế biến.
Diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn.
Đầu tư phát triển bền vững cho ngành chè
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, sản xuất chè 11 tháng năm 2021 đạt 175.000 tấn, ước tính cả năm đạt 180.000 tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chính ngạch 11 tháng ở mức 115.000 tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ 2020, ước tính cả năm đạt 130.000 tấn. Giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt 194 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ 2020. Cơ cấu sản phẩm: 51% chè đen, 48% chè xanh và 1% chè khác. Từ khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường trong nước, ước cả năm tiêu thụ nội địa duy trì ở mức 45.000 tấn.
Để ngành chè phát triển bền vững quan trọng nhất vẫn là truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2021, riêng ngành chè không có thông báo nào liên quan đến vi phạm an toàn thực phẩm. Đây được xem là một tín hiệu tích cực trong vấn đề tổ chức sản xuất nói chung và các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội Chè nói riêng. Trong năm sắp tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Chè và tổ chức IDH, trong đó có các hoạt động tổ đội chuyên trách vấn đề bảo vệ thực vật và cấp mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp đăng ký.
Ngoài ra còn có quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, phối hợp cùng với nhóm cây cà phê và hồ tiêu, qua đó giúp bảo đảm chè xuất khẩu, đồng thời đảm bảo sức khỏe của đất, môi trường và con người. Đây là cách tiếp cận khá mới mà các quốc gia phát triển đã xây dựng. Bên cạnh đó, còn có chương trình phân bón hữu cơ mà Cục đã đẩy mạnh và ký kết với 14 doanh nghiệp để phát triển chương trình phân bón hữu cơ cho các doanh nghiệp khi giá vật tư phân bón tăng cao.
Về phía Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả cho biết: Hiện đến năm 2021 có 28 giống chè (LDP1, LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, ; PH8, PH10, TB14 Hương Bắc Sơn, LCT1, PH276, CNS.831…). Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc tự công bố thêm 6 giống mới. Diện tích chè giống mới khoảng 65%. Chè giống mới Nghệ An đạt 89%, Thái Nguyên 75,9%, Phú Thọ 73,1%, Tuyên Quang 63%, Yên Bái 58,6%, Sơn La 53,2%. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất chè an toàn được ban hành như QĐ 01/2012/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ áp dụng GAP; Quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn ở các địa phương như: 1. Tỉnh Lâm Đồng; 2. Nghệ An; 3. Thái Nguyên; 4. Phú Thọ; 5. Hà Giang; 6. Yên Bái; 7. Lào Cai ; 8. Sơn La. Phủ rộng diện tích chè đạt tiêu chuẩn về VietGAP trồng trọt: TCVN 11892-1:2017 và TCVN về chè hữu cơ: TCVN 11041-1:2017. Hiện nay, tại một số địa phương như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La… đã chủ động ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển chè an toàn,
Để phát triển chè một cách bền vững, Cục Trồng trọt cũng xác định một số định hướng như: Ổn định diện tích chè cả nước khoảng 130 ngàn ha năm 2030; Tập trung vào trồng thay thế: tỷ lệ giống chè mới 70%, trong đó chất lượng cao 20 - 25% diện tích. Xây dựng vùng chè an toàn, vùng chè đặc sản, gia tăng giá trị xuất khẩu. Đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị hiện đại để thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng chè; Tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường có tiềm năng nâng cao giá trị gia tăng. Cơ cấu sản phẩm chè đen, chè xanh và chè khác phù hợp thị trường.
Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, trong thời gian tới đầu tư phát triển chè là nhiệm vụ, giải pháp đột phá góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững.
Hoài Anh