Cần đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản

Vừa qua, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: NLA)
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: NLA)

Hội nghị do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và các Sở NN&PTNT tại các điểm cầu, với các bài tham luận của Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú Y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới, thống nhất phương thức hành động hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được nhiều kết quả hơn nữa về phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Trong thời gian qua, ngành NN&PTNT đã bước đầu đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75%, GDP tăng 2,65% và kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD - tăng 2,6% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu NLTS 5 tháng đầu năm ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh kết quả trên, từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở một số mặt hàng cụ thể do những lý do khách quan lẫn chủ quan. Đối với thị trường trong nước, giá thịt gia cầm hiện ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn; hay sự ách tắc trong khâu lưu thông hàng hóa do dịch Covid-19 hồi đầu năm khiến cho các loại rau vụ đông tại Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội bị dư thừa cục bộ. Đối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ đang khởi xướng điều tra bán phá giá mật ong nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi ro lan truyền dịch bệnh Covid-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa,.. gặp khó khăn.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đưa ra đề xuất nội dung thảo luận tập trung các nội dung chính như: (1) xử lý các vướng mắc kỹ thuật về quy trình kiểm dịch động, thực vật, VSATTP, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa xuất khẩu; giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch Covid-19; (2) mở cửa thị trường, cung cấp thông tin về rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu cụ thể; (3) thuận lợi hóa quá trình kiểm dịch động, thực vật, kiểm tra VSATTP cho doanh nghiệp thương mại nông sản.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu từ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các Chi cục quản lý trực tiếp tại địa phương và được tiếp thu triệt để từ phía các đơn vị chức năng của Bộ. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc trao đổi thông tin giữa Bộ NN&PTNT, hiệp hội ngành hàng và các Sở sẽ là cơ sở để tiếp tục làm việc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Đối với các đơn vị của Bộ cần tiếp tục theo dõi nắm bắt thông tin, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương để tham mưu, chỉ đạo cho Bộ có những giải pháp kịp thời giải quyết các vướng mắc mà các địa phương đưa lên.

Về quy trình hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tài xế và hàng hóa trong điều kiện Covid-19, Thứ trưởng giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản làm đầu mối tổng hợp quy trình từ kinh nghiệm thực tế, sớm trao đổi và thống nhất về vấn đề này.

Trung tâm Xúc tiến thương mại là đơn vị đầu mối của Bộ trong việc kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, cần chủ động liên hệ với địa phương, trước mắt là Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La để tổ chức diễn đàn trực tuyến kết nối với doanh nghiệp để giúp tiêu thụ mận Tam Hoa, na Chi Lăng và nhãn Sơn la sắp vào kỳ thu hoạch rộ. Các hội chợ, hội nghị xúc tiến có thể tổ chức tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng NLTS (Nafiquad), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) tăng cường nắm bắt kiến nghị của địa phương về tháo gỡ vướng mắc và xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng xuất nhập khẩu để tham mưu cho lãnh đạo Bộ, trước mắt là tháo gỡ vướng mắc trong việc xuất khẩu thủy sản sang Ả-rập Xê-ut.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch tiêu thụ, thay vì chuẩn bị kế hoạch thời vụ. Bộ NN&PTNT sẵn sàng phối hợp với các địa phương, đặc biệt ba tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn và Sơn La cần lên kế hoạch cụ thể càng nhanh càng tốt.

Về vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cần thực hiện nhanh không chỉ đối với các hàng hóa xuất khẩu mà còn cả tiêu thụ nội địa. Đây là vấn đề quan trọng trong việc triển khai chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thời kỳ hậu Covid-19. Trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm để phục vụ xuất khẩu, sẽ ưu tiên vấn đề cấp mã số vùng trồng nên rất mong địa phương quan tâm đến vấn đề này để triển khai. Tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhận định vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi là vấn đề trọng tâm mà Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh sớm để nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản xuất khẩu.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT mong muốn các hiệp hội ngành hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ, nắm chắc thông tin thị trường để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới./.

Di Linh (t/h)