Đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều đại biểu tán thành với việc cần thiết thành lập quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ; nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ trong Luật để tránh trùng lặp, làm rõ có phát sinh thêm bộ máy không.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh là quỹ hoạt động phi lợi nhuận, ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương. Thực tiễn phòng, chống thiên tai cho thấy, ở địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai lớn nhưng nguồn thu của quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương khác lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.
Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, đã có một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận. Vì vậy, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp nước ngoài và điều tiết từ Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh là cần thiết.
Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong điều kiện Ban Chỉ đạo, chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoạt động kiêm nhiệm, nguồn lực chưa được bảo đảm như hiện nay thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan trong Luật là rất khó. Vì vậy, xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này trong Luật mà giao Chính phủ quy định trong văn bản dưới Luật cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Thống nhất về nguồn lực
Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các đại biểu đồng tình cao với nhận định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thống nhất và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đối với toàn cầu nói chung, đối với từng người dân Việt Nam nói riêng.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, Luật Phòng chống thiên tai hiện hành thì một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong Luật đã gây khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai ở một số địa phương thời gian qua. Đại biểu thống nhất với Ban soạn thảo về việc sửa đổi, bổ sung hiện tượng tự nhiên bất thường như: Cháy rừng do tự nhiên và sương mù để giải thích từ thiên tai cho đầy đủ và phù hợp với tình hình thiên tai của nước ta thời gian qua.
Nhấn mạnh đến nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai, nhiều đại biểu cho rằng, mỗi khi thiên tai xảy ra thì đối tượng được huy động vào cuộc đầu tiên là nhân dân, chính quyền cơ sở. Trong đó, lực lượng xung kích ở cơ sở đóng góp vai trò rất quan trọng trong thực hiện phương án phòng, chống thiên tai “4 tại chỗ”.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, các tổ chức đoàn thể của địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền phải quy định rõ về trách nhiệm. "Thời gian vừa qua trong phòng chống thiên tai cho thấy việc thống nhất về chỉ đạo, chỉ huy là rất quan trọng. Chúng ta tổ chức một lực lượng rất đông nhưng không có người chỉ huy thống nhất hiệu quả sẽ rất thấp, thậm chí có thể gây cản trở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ", đại biểu nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, cần giao trách nhiệm cho các tổ chức, đặc biệt là lực lượng tại chỗ như dân quân tự vệ, các tổ chức như đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn để ứng cứu kịp thời, hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra. Trong số các lực lượng này, đại biểu đề nghị cần có lực lượng chủ trì để xác định rõ trách nhiệm các lực lượng tham gia, đồng thời quy định rõ trong luật là giao cho dân quân tự vệ chủ trì.
Một số ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương là cần thiết để tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của quốc tế. Liên quan đến nội dung ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến đề nghị cần ghi được khoản riêng trong dự thảo luật. Đại biểu Bùi Thanh Tùng, thành phố Hải Phòng, nêu thực tế kinh phí chi cho phòng, chống thiên tai đang ghi chung vào mục chi khác dẫn đến khó bố trí hoặc không được ưu tiên bố trí và không đáp ứng được yêu cầu.
"Tôi kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 26 của Luật Ngân sách, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để rà soát, chỉ đạo các ngành liên quan và sớm tham mưu để quy định bổ sung một số hạng mục chi đặc thù trong mục ngân sách chi của các địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn", đại biểu đề xuất.
Góp ý về Luật Đề điều, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng: Trong thực tiễn hiện nay, các công trình kè chống sạt lở đã được đầu tư xây dựng tại rất nhiều khu vực ở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, việc quản lý đối với công trình này chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến những khó khăn lúng túng và vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nhất là những quy định về phạm vi bảo vệ kè và các hoạt động liên quan đến kè phải được cấp phép nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung liên quan đến kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào Dự thảo Luật.
Theo Đỗ Bình (TTXVN)