Theo đó, Trong quý III/2023, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 1.123,48 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 75,67 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 16,9%, về còn 16,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 17,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 39,5 tỷ đồng, về 189,22 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 5,2%, tương ứng tăng thêm 0,57 tỷ đồng, lên 11,58 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 33%, tương ứng giảm 8,69 tỷ đồng, về 17,67 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 23,4%, tương ứng giảm 27,49 tỷ đồng, về 89,74 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp trong quý III giảm mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm nhẹ, chủ yếu do tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 3.397,81 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 151,97 tỷ đồng, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nguồn vốn của Cao su Đà Nẵng, vốn chủ sở hữu vẫn chiếm chủ đạo với 1.816 tỷ đồng và nợ phải trả là 1.341 tỷ đồng. Nợ phải trả của Cao su Đà Nẵng đang được xử lý tích cực khi giảm từ 1.508 tỷ đồng xuống còn 1.341 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ phải trả của Cao su Đà Nẵng lại chiếm hầu như nợ phải trả ngắn hạn là chính với 1.340 tỷ đồng. Việc để nợ ngắn hạn cao như hiện nay, doanh nghiệp này có thể sẽ gặp các vấn đề liên quan đến tính thanh khoản.
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng, đạt 85% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, Cao su Đà Nẵng đã thực hiện được 56% kế hoạch năm.
Tại ngày 30/9/2023, Cao su Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng tài sản 3.157,7 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trữ tiền ở mức gần 340 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn kỳ này tăng 112% lên 543,9 tỷ đồng, trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 496,3 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 30% còn 1.193 tỷ đồng.
Hết quý III, tổng nợ phải trả của Cao su Đà Nẵng là 1.341,3 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 523,3 tỷ đồng, giảm 24% so với số dư đầu năm.
SSI Research dự báo, lợi nhuận của DRC có thể phục hồi trong những tháng cuối năm 2023 (+57% so với nửa đầu 2023) nhờ bước vào mùa cao điểm tiêu thụ và nhu cầu phục hồi dần ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, với kết quả các tháng đầu năm, SSI vẫn dự báo tổng lợi nhuận cả năm nay của DRC giảm 39% so với năm trước, đạt 189 tỷ đồng; doanh thu thuần đạt 4.662 tỷ đồng, giảm 5%.
Sự phục hồi lợi nhuận sẽ rõ ràng hơn vào năm 2024, nhờ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ lốp radial và tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự báo đạt 5.083 tỷ đồng và 250 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 32% so với năm 2023.
Cao su Đà Nẵng tiền thân là nhà máy đắp vỏ xe của quân đội Mỹ, đến nay Công ty CP cao su Đà Nẵng, tên gọi quốc tế là DRC, đã có quá trình phát triển liên tục hơn 35 năm. Công ty chuyển sang mô hình công ty CP năm 2006 và phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán là DRC năm 2007.
Bằng sự linh hoạt và sáng tạo DRC đã tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lốp ô tô tải hàng đầu Việt Nam. DRC đang đầu tư nhà máy mới sản xuất lốp xe tải Radial bố thép công suất 600.000 lốp/năm. Đây là nhà máy có quy mô lớn, công nghệ hiện đại được xây dựng tại KCN Liên Chiểu Đà Nẵng sẽ đáp ứng tốt chiến lược tăng tốc của Công ty.
Tiến Hoàng