Với hơn 1.400ha chè, những năm qua, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu chè Vân Hồ. Đưa cây chè thành một trong những cây trồng giúp bà con nơi đây có thu nhập ổn định, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Cây chè ở Vân Hồ chủ yếu là giống chè Shan Tuyết, được trồng tập trung ở các xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa và Chiềng Yên; năng suất chè búp tươi bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha. Nằm cách trung tâm huyện hơn 30km, Chiềng Khoa là một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện, với gần 500ha chè; sản lượng chè năm 2023 ước đạt trên 6.400 tấn.
Ông Đinh Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa cho biết: Trước đây, người dân trồng chè theo dạng tự phát, mạnh ai nấy trồng, đầu ra của cây chè không đảm bảo và không được ổn định, nếu không bán được thì để đó cho mọc ngút lên. Qua khảo sát, thống kê vùng trồng chè của người dân, UBND xã đã họp bàn, tìm giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè.
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất là đảm bảo quy trình khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm. Năm 2017, HTX sản xuất kinh doanh chè Vân Hồ được thành lập đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây. Nắm bắt cơ hội, chính quyền địa phương cùng các bản đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia HTX; cử cán bộ xã phối hợp cùng HTX hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc, thu hái chè sao cho tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật.
Nhờ đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, hương chè Chiềng Khoa đã được đông đảo người dùng đón nhận, ưa thích. Không chỉ thế, nếu như trước đây, người trồng chè Vân Hồ chủ yếu hái chè bằng tay, tốn nhiều công sức và nhân công lao động, thì nay, người dân chuyển dần thói quen canh tác truyền thống sang sản xuất hữu cơ, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thu hái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như: sử dụng phân bón, kỹ thuật cắt tỉa, đầu tư máy hái chè… Những vườn chè xanh mướt và sự tham gia, liên kết với HTX đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định từ 150 – 200 triệu đồng/năm, đời sống kinh tế ngày một nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Còn tại Tô Múa, toàn xã có gần 500 ha trồng chè giống Shan Tuyết, tập trung ở các bản Liên Hưng, bản Mến, bản Pàn, với trên 900 hộ trồng chè, chiếm khoảng 80% số hộ dân trong xã; năng suất đạt 10 tấn chè búp tươi/ha, sản lượng đạt trên 5.000 tấn/năm. Năm 2022, 100 cây chè Shan Tuyết khổng lồ tại đây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt nam trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam, số cây còn lại được đưa vào tổng thể vùng cây chè cổ thụ cần được gìn giữ, bảo tồn. Nhờ đó, khu vực này cũng được định hướng quy hoạch thành khu du lịch sinh thái để du khách và người dân có thể đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ này.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Hồ, cây chè Shan Tuyết được đưa về trồng trên đất Vân Hồ vào khoảng những năm 1997-1998, do Nông trường chè Mộc Châu hỗ trợ giống và thu mua sản phẩm cho người dân. Gần 30 năm gắn bó, đến nay, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng mang lại kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng ngô và các loại cây lương thực khác, đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương này. Qua rà soát, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Vân Hồ giảm còn 18,28%; năm 2024, mục tiêu đề ra là tiếp tục giảm từ 2,5-3% theo chuẩn nghèo hàng năm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 cơ sở chế biến, thu mua chè búp tươi, với giá từ 4.000 – 6.000 đồng/kg. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Vân Hồ có 3 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, gồm trà Matcha, trà Sencha và Hồng trà.
Ông Trần Minh Hiệp, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh chè Vân Hồ, đơn vị sản xuất Hồng trà Vân Hồ cho biết: Hồng trà Vân Hồ có nguyên liệu chính là những búp chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời hơn trăm năm trên mảnh đất Tô Múa. Chè được trồng trên các vùng núi cao khoảng 1.500m so với mặt nước biển. Những búp chè 1 tôm, 2 lá non tươi được thu hái vào sáng sớm, khi lá chè đã khô sương; kết hợp với việc áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm thủ công lâu năm, trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, đã tạo nên hương vị tự nhiên đặc trưng, chất trà thơm đậm, vị ngọt thanh. Sản phẩm Hồng trà Vân Hồ hiện đã có mặt tại thị trường trong và ngoài nước.
Phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm chè địa phương, những năm gần đây, huyện Vân Hồ đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các xã tăng cường tổ chức các đợt tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người trồng chè. Vận động nhân dân hái chè theo phương pháp thủ công, áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để chè búp tươi có chất lượng tốt nhất. Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, hướng đến một số diện tích chè Shan Tuyết, chè cổ thụ sẽ tập trung phát triển theo hướng hữu cơ, phục vụ cho việc chế biến và thăng hạng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất chè; tuyên truyền, khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng chè, chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với khai thác tiềm năng các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương. Nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Phấn đấu đến hết năm 2024, diện tích chè trên địa bàn huyện đạt 1.450ha; sản lượng chè búp tươi đạt 13.000 tấn…
Nguyễn Giang