Chè Thái Nguyên: Nhãn hiệu tập thể chính thức được bảo hộ tại nước ngoài

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, mới đây, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ thành công tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” vừa được bảo hộ thành công tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” vừa được bảo hộ thành công tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước đó, năm 2017, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đây cũng là sản phẩm chủ lực đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thái Nguyên được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại nước ngoài.

Việc bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là cơ hội lớn giúp chè Thái Nguyên nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chè trên địa bàn tỉnh. Dự kiến Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu trong thời gian tới.

Được biết, hiện nay, diện tích chè trên địa bàn tỉnh đạt trên 22 nghìn ha, sản lượng chè chế biến đạt gần 48.000 tấn/năm, trong đó có trên 200ha chè đang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Sau hơn 20 năm triển khai 4 đề án về phục hồi và phát triển cây chè, ngành chè Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và ngành chè Việt Nam.

Đến nay, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt khoảng 22.649 ha, sản lượng đạt 244.502 tấn. Giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha.

Hiện toàn tỉnh có 1 thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý "chè Tân Cương"; 7 thương hiệu dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: “chè Thái Nguyên”, “chè La Bằng”, “chè Trại Cài”, “chè Vô Tranh”, “chè Tức Tranh”, “chè Đại Từ” và nhãn hiệu tập thể “chè Phổ Yên”.

Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” đã được tỉnh Thái Nguyên đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga và đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, đạt gần 40.000 tấn, với giá tiêu thụ trong nước hiện đang ở mức 120.000 - 220.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000 - 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá 2.500.000 - 3.000.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu rất thấp, dao động từ 1,7 - 2 USD/kg và hầu hết mới ở dạng nguyên liệu thô.

Văn Chung (t/h)