Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu đầy biến động, ngành chè Việt Nam, một trong những trụ cột xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với những thử thách chưa từng có. Từ làn sóng thuế quan mới của Mỹ và EU, sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia chè lớn như Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka, đến biến đổi khí hậu và đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, câu hỏi đặt ra là: Liệu ngành chè Việt có thể vượt qua “cơn sóng ” để không chỉ tồn tại, mà còn phát triển bền vững?
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất được khuyến nghị nâng cao chất lượng, mở rộng kênh tiếp thị và chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bức tranh xuất khẩu: Tín hiệu tích cực đan xen lo âu
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè Việt Nam trong tháng 6/2025 đạt 11,5 nghìn tấn, trị giá 20,5 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và 9,7% về giá trị so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2024, lượng xuất khẩu giảm 18% và giá trị giảm 23,9%. Sáu tháng đầu năm, tổng xuất khẩu đạt 57,9 nghìn tấn, trị giá 97 triệu USD, tiếp tục giảm lần lượt 6,6% và 8,4% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân giảm nhẹ 2%, xuống còn 1.674 USD/tấn. Trong khi các dòng sản phẩm chủ lực như chè đen, chè xanh chiếm 95,4% tổng lượng xuất khẩu, phân khúc cao cấp như chè ô long lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 23,2% về lượng và 24,7% về giá trị. Điều này phản ánh rõ nét xu hướng thị trường đang chuyển dịch sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi chất lượng và sự khác biệt.
Cơn bão thuế quan toàn cầu: Hệ quả dây chuyền với ngành chè Việt
Thị trường quốc tế không còn là miền đất hứa khi những biện pháp bảo hộ mậu dịch đang lan rộng. Tại Mỹ, chính sách thuế mới khiến chè Trung Quốc bị áp mức thuế tới 35%, kéo theo sự sụt giảm xuất khẩu 12,3% về lượng và 18,6% về trị giá chỉ trong 4 tháng đầu năm. Các đối thủ của Việt Nam như Ấn Độ, Sri Lanka nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy Việt Nam chưa nằm trong danh sách áp thuế trực tiếp, nhưng những cú sốc gián tiếp từ chính sách “transshipment”, phí tuân thủ tăng cao, và áp lực cạnh tranh toàn cầu vẫn tạo ra sức ép không nhỏ. Các doanh nghiệp chè Mỹ ngày càng dè dặt khi nhập khẩu, đặc biệt với những lô hàng đi qua nước thứ ba, vì nguy cơ bị kiểm tra gắt gao xuất xứ.
Tại châu Âu, các rào cản phi thuế quan như chứng nhận Rainforest Alliance, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và yêu cầu sản phẩm hữu cơ ngày càng khắt khe. Điều này đặt ngành chè Việt vào thế buộc phải chuyển đổi hoặc là thích nghi nhanh chóng, hoặc là bị gạt ra khỏi sân chơi toàn cầu.
Cạnh tranh khốc liệt từ các “ông lớn” chè thế giới
Ngoài rào cản thuế quan, sự cạnh tranh từ những quốc gia sản xuất chè hàng đầu đang gia tăng mạnh mẽ. Ấn Độ, với lợi thế diện tích trồng lớn, năng suất cao đã công bố khuôn khổ thương mại mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu chè. Kenya, dù gặp khó khăn về sản lượng do hạn hán, vẫn duy trì vị thế nhờ giá thành rẻ và mạng lưới phân phối rộng khắp.
Trung Quốc, với thị trường nội địa trị giá hơn 115 tỷ USD và xuất khẩu ngày càng hiện đại, đang “đặt cược” vào phân khúc chè xanh và matcha chất lượng cao để giữ thị phần. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN khác cũng đang tận dụng lợi thế FTA (Hiệp định thương mại tự do) để mở rộng xuất khẩu.
Trong cuộc đua này, chè Việt vốn có tiếng về chè xanh, chè Shan tuyết lại gặp thách thức về nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu đầu tư vào công nghệ chế biến sâu.
Giải pháp “vượt sóng”: Đổi mới để sinh tồn và phát triển
Để đứng vững trước cơn bão thị trường, ngành chè Việt cần một chiến lược tổng thể với 3 trụ cột:
1. Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng: Chất lượng là chìa khóa để mở cửa các thị trường khó tính. Việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, và phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ là hướng đi tất yếu. Chè hữu cơ không chỉ giúp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng bền vững đang lên ngôi tại EU và Mỹ.
Đầu tư công nghệ chế biến sâu cũng là đòn bẩy quan trọng. Các dòng sản phẩm cao cấp như chè ô long, matcha, hay trà thảo mộc phối trộn có tiềm năng lớn để nâng giá trị xuất khẩu, tránh tình trạng “bán chè thô, mua chè tinh”.
2. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho chè Việt: Chè Việt Nam cần được định vị rõ ràng hơn trên bản đồ thế giới. Những câu chuyện về chè Shan tuyết cổ thụ, quy trình canh tác thủ công, và tinh hoa văn hóa trà Việt có thể trở thành tài sản thương hiệu quý giá. Các doanh nghiệp nên tận dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, đặc biệt trong bối cảnh thương mại số đang phát triển mạnh mẽ.
3. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Không thể phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn. Việc tìm kiếm thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, và Đông Nam Á sẽ giúp giảm rủi ro từ các cú sốc thương mại. Đồng thời, hình thành các liên kết bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu trước biến động giá và chi phí logistics.
Niềm tin vào sức bật của chè Việt
Trong suốt lịch sử, chè Việt Nam đã từng bước vươn lên từ một ngành nhỏ lẻ trở thành nhóm 10 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Thách thức ngày hôm nay dù lớn cũng đồng thời là cơ hội để ngành chè tái cấu trúc và khẳng định vị thế.
Với nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều giống chè quý hiếm, cùng sự hỗ trợ của các chính sách Nhà nước và nỗ lực đổi mới từ doanh nghiệp, ngành chè Việt hoàn toàn có cơ sở để “vượt sóng”. Nhưng để làm được điều đó, cần một tầm nhìn dài hạn, tư duy chiến lược và hành động quyết liệt hơn bao giờ hết.
Thị trường quốc tế đang bước vào thời kỳ khó khăn, nhưng chính trong những giai đoạn thử thách này, bản lĩnh và khả năng thích ứng sẽ quyết định ai là người trụ vững. Ngành chè Việt có thể không tránh khỏi những tác động từ cơn bão thuế quan và cạnh tranh toàn cầu, nhưng nếu biết tận dụng cơ hội để đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao giá trị, “con thuyền chè Việt” hoàn toàn có thể vượt sóng, tiến ra biển lớn một cách vững vàng.