Mở đầu Hội nghị, ông Thân Văn Sửu – Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại SVTN chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp gây rất nhiều thiệt hại về vật chất và khó khăn cho nền kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước nói chung và địa phương tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong đó các doanh nghiệp trong Chi hội cũng chịu ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động. Chi hội Sản vật Tây Nguyên mong muốn kết nối với các nhà liên kết, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, nhà phân phối trong nước tiêu thụ sản phẩm sau đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, các ý kiến tập trung chia sẻ về hướng đi kinh doanh các sản phẩm vùng miền, sản vật OCOP… kết nối xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp và nhà phân phối.
Chị Hồng Ân – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Ân chia sẻ: Trải qua quá trình công phu, chặt chẽ bằng phương pháp nuôi trồng và chỉ thu hái một đợt duy nhất trên một phôi nấm, trại Nấm Linh chi Gaco của Công ty Hồng Ân tự tin đảm bảo 100% dưỡng chất cho cây nấm, ngoài ra việc không sử dụng nuôi trồng 2 đợt trên phôi nấm sẽ làm cho nấm nuôi trồng đợt 2 không còn dược chất và độ dinh dưỡng cao. Nấm Linh chi đỏ Việt Nam nuôi trồng tại trại Nấm Linh chi Gaco áp dụng theo quy trình từ khâu sản xuất phôi giống đến khâu chăm sóc nuôi trồng. Công đoạn thu hái xen kẽ đảm bảo nấm tươi mới sạch, còn nguyên lớp bào tử, an toàn cho sức khỏe.
Chị Mai Thị Dược – Giám đốc công ty TNHH Mắc Ca Mai Thao, Lâm Đồng cho hay: Trên thực tế, xu hướng người dùng các loại hạt dinh dưỡng chất lượng cao ngày càng nhiều. Hạt mắc ca nhiều chất dinh dưỡng và thơm ngon. Ngoài lấy nhân, cây mắc ca còn có thể lấy dầu. Dầu của mắc ca lại rất quí do là loại dầu béo không no, có omega 3, 6, 7, không để lại cholecterol. Hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon, lại có giá trị kinh tế cao nên nó được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt”. Mắc ca sấy có thể dùng như các loại hạt dinh dưỡng ăn ngay trong văn phòng công sở, gia đình. Hạt mắc ca tươi và khô có thể dùng làm bánh, phối trộn trong các công thức sữa hạt hay sử dụng trong tinh chế dầu ăn.
Mặc dù thị trường hạt mắc ca ở Việt Nam còn trầm lắng nhưng thị trường ở nước ngoài lại vô cùng sôi động. Ở nước ngoài, hạt mắc ca được bán ở bến tàu, bến xe, nhà hàng, khách sạn cho tới bếp ăn của nhiều gia đình. Nên nhu cầu mắc ca cho xuất khẩu vẫn là hướng đi vô cùng tiềm năng. Đặc biệt với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc, Mỹ, Úc và một loạt các nước Châu âu khác vẫn rất khát hạt mắc ca chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu vẫn chưa phải là hướng đi chính của Mắc ca Mai Thao bây giờ. Mai Thao tập trung khai thác thị trường nội địa cho chắc chắn, sau đó mới tính tới việc lấn sân sang thị trường khác, chị Dược cho biết. Mắc ca Mai Thao tập trung vào làm thị trường chất lượng cao trong nước. Sản phẩm chính được đóng gói từ hũ sang hộp, phù hợp làm quà tặng trong dịp lễ tết. Ngoài ra còn cung cấp các loại hạt dinh dưỡng, đặc sản Lâm Đồng khác như: Hạt, trái cây sấy… cung cấp cho đối tác, khách hàng, các doanh nghiệp làm quà tặng.
Anh Lê Quốc Thái – Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Thái Dương cho biết: Sản phẩm mật ong của công ty đảm bảo chất lượng, nguyên chất. Quy trình sản xuất đảm bảo đúng quy định an toàn thực phẩm. Trong chăn nuôi và sản xuất với số lượng 4.500 đàn ong, hàng năm công ty cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn mật ong cà phê, 5 tấn phấn hoa, 24 tấn sữa ong chúa, 300 kg sáp ong, 200 kg ấu trùng ong chúa. Đảm bảo chất lượng theo đúng qui định an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tôi còn khuyến khích, hỗ trợ kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho các hộ dân các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc. Năm 2019-2020, tôi đã cấp chứng nhận cho 40 hộ nuôi ong và liên kết được 40 hộ nuôi ong, tổng số lượng lên đến 4.500 đàn ong, tất cả đều áp dụng mô hình VIETGAP.
Với thế mạnh về sản phẩm sữa ong chúa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tôi mong muốn kết hợp với các nhà phân phối để đẩy sản phẩm của mình đi thật tốt, như vậy sẽ có nhiều người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm sữa ong chúa hơn bởi sữa ong chúa của Lâm Đồng có giá trị cao hơn so với các vùng khác vì nó nằm ở độ cao từ 800 -1.600 m, khí hậu ôn đới nên có giá trị cao về hàm lượng dinh dưỡng.
Cũng tại Hội nghị, anh Trương Vĩnh Phúc – Nhà phân phối Đà Nẵng bày tỏ: Tất cả các doanh nghiệp của Chi hội đã rất nỗ lực làm ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt đưa về cho cộng đồng và người tiêu dùng, đó là điều tôi rất tự hào. Với tư cách là một nhà phân phối, tôi mong muốn rằng tất cả sản phẩm của doanh nghiệp, của Chi hội Sản vật Tây Nguyên sẽ được nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến và nhận thấy đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng. Cũng mong rằng những sản phẩm này được đưa về các nhà phân phối, đại lý vùng sâu, vùng xa tốt hơn, phát triển nhiều hơn.
Hội nghị diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm áp. Kết thúc Hội nghị, các doanh nghiệp và các nhà phân phối đều mong muốn được chia sẻ, đồng hành nâng tầm thương hiệu, phát triển hơn nữa để các mặt hàng thuộc Chi hội Sản vật Tây Nguyên sẽ được nhiều người tiêu dùng Việt Nam và thế giới biết đến.
Vương Anh