Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế xã hội. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khó khăn, có doanh nghiệp bị đình trệ, thu hẹp quy mô.
Thực tế, trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Do vậy, trong những thời điểm khó khăn trước tác động, ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế giai đoạn vừa qua (từ 2008-2015), Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
Theo tính toán của Chính phủ, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ.
Để tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích thêm về tiêu chí tổng doanh thu 2020 không quá 50 tỷ đồng, lao động không quá 100 người mới được giảm thuế. Theo ông Dũng, hiện số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng doanh nghiệp tại Việt Nam, nếu giảm thuế cho cả đối tượng doanh nghiệp vừa, gần như toàn bộ doanh nghiệp sẽ được hưởng, có thể dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng khi doanh nghiệp vừa có nhiều lợi thế về vốn, doanh thu, thị trường...
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.
Tú Thành