Chính thức triển khai cấp chứng nhận ưu đãi thuế xuất khẩu gạo thơm sang EU

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai xuất khẩu gạo thơm sang thị trường EU theo hạn ngạch ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo đó, ngày 4/9/2020, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 103) quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu (EU). Nghị định 103 gồm 3 chương, 15 điều, có hiệu lực từ ngày ký, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.

Theo Nghị định, việc xuất khẩu gạo thơm theo hạn ngạch hưởng ưu đãi thuế quan (0%) sang EU phải được chứng nhận đảm bảo đúng giống. Các tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được Cục Trồng trọt chỉ định sẽ triển khai kiểm tra các lô ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch, Cục Trồng trọt căn cứ kết quả kiểm tra và hồ sơ của doanh nghiệp để cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU.

Chính thức triển khai cấp chứng nhận ưu đãi thuế xuất khẩu gạo thơm sang EU - Ảnh 1

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá Nghị định 103 là văn bản có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU. Nghị định nêu rất rõ các trình tự, thủ tục chứng nhận đúng chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU cấp cho doanh nghiệp.

Nghị định đã có hiệu lực ngay từ ngày ký, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp có gạo thơm theo đúng chủng loại trong danh mục của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam - EU và đã có đơn hàng, cần khẩn trương gửi hồ sơ tới Cục Trồng trọt để làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất khẩu sang EU trong thời gian sớm nhất.

Về số lượng 9 loại gạo thơm trong danh mục được xuất khẩu sang EU, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết danh mục này đã được hai bên thống nhất đưa vào Hiệp định EVFTA trong quá trình đàm phán từ trước đây. Theo Hiệp định EVFTA, từng năm (hoặc theo thời gian nhất định), Việt Nam và EU sẽ tiếp tục rà soát, cho phép bổ sung thêm số lượng các giống gạo thơm mới.

Ví dụ đối với hai giống lúa thơm có thương hiệu nổi tiếng thời gian qua như ST24 và ST25, do đây là các giống mới được công nhận giống quốc gia chưa lâu, vì vậy thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, đề nghị phía EU thêm vào danh mục các loại gạo thơm để xuất khẩu sang thị trường này.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá: "Việc EU cấp cho Việt Nam số lượng hạn ngạch 30 nghìn tấn/năm gạo thơm được ưu đãi thuế quan (0%) có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây là thị trường khó tính, có các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện an toàn thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ..., và đã công nhận đối với gạo Việt Nam được xuất vào thị trường này. Điều này khẳng định được chất lượng, giá trị, uy tín, thương hiệu rất lớn của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế".

Mặc dù số lượng gạo thơm được ưu đãi thuế quan hàng năm xuất khẩu sang EU không lớn, tuy nhiên đây là tín hiệu rất tốt. Nếu chúng ta làm tốt các khâu kiểm tra, kiểm soát, giám sát được tốt về chất lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các yêu cầu của EU và được người tiêu dùng tại thị trường này đón nhận thì thời gian tới, mức hạn ngạch ưu đãi thuế quan của EU dành cho gạo Việt Nam có thể sẽ được EU tăng thêm.

Về định hướng sản xuất gạo trong nước nhằm phù hợp với thị trường, khai thác tiềm năng của gạo Việt Nam tại thị trường EU, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Việt Nam hoàn toàn tự tin với các giống lúa đặc sản, chất lượng cao hiện nay đã có và sẽ ngày càng phong phú, chất lượng cao hơn để đủ sức cạnh tranh với gạo của các nước khác tại thị trường EU.

Di Anh (t/h)