Ngày 19/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột" dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.
Phiên thảo luận có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Lãnh đạo Cấp cao và đại diện của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an cùng 5 tổ chức tiêu biểu ở các khu vực.
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động trong tháng Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc này gửi đi thông điệp ở cấp cao nhất về định hướng, tầm nhìn và khát vọng phát triển, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị của Đại hội Đảng lần thứ 13, khẳng định mạnh mẽ tiếng nói, vị thế, cam kết và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, Liên Hợp Quốc và các nỗ lực chung vì hòa bình, phát triển trên thế giới.
Trong bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng tin và đối thoại trong quan hệ quốc tế, đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức khu vực với Liên Hợp Quốc trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Chủ tịch nước nhấn mạnh những thành tựu toàn diện, quan trọng của ASEAN trong xây dựng một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại với Liên Hợp Quốc và các đối tác liên quan, cũng như các nỗ lực tích cực của ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin trong giải quyết các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 đề xuất.
Thứ nhất, Liên hợp quốc cần đi đầu tăng cường các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột. Ở chiều ngược lại, các tổ chức khu vực với những thế mạnh về kinh nghiệm thực tiễn, nguồn lực và nhu cầu đa dạng, cần mở rộng hợp tác với Liên hợp quốc, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau trên các diễn đàn nhằm tăng cường năng lực ngăn ngừa, giải quyết xung đột.
Thứ hai, cần tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương và tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bởi đây chính là điểm tựa, cơ sở vững chắc nhất để tạo dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại.
Đồng thời, để phòng ngừa xung đột từ sớm cần có các giải pháp bao trùm và toàn diện nhằm giải quyết thật căn cơ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng và bạo lực.
Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các sáng kiến, chiến lược toàn cầu về an ninh và phát triển được dẫn dắt bởi Liên hợp quốc; dành thêm sự quan tâm và hỗ trợ thỏa đáng cho các nước đang phát triển gặp nhiều hạn chế về nguồn lực.
Về phần mình, các tổ chức khu vực cần có những chương trình nghị sự toàn diện, lồng ghép vào kế hoạch phát triển quốc gia, khu vực các khuôn khổ, sáng kiến phát triển của Liên hợp quốc, nỗ lực giảm khoảng cách nội khối về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Thứ ba, cần đưa hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực đi vào chiều sâu với các khuôn khổ đối thoại, hợp tác, cơ chế “cảnh báo sớm” các bất ổn.
Hội đồng Bảo an cần tiếp tục ghi nhận, tôn trọng quan điểm, vai trò và đóng góp của các tổ chức khu vực, tích hợp vào nhiệm vụ của các Phái bộ Liên hợp quốc các chiến lược về ngăn ngừa, giải quyết xung đột thông qua đối thoại và xây dựng lòng tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khu vực phát huy vai trò trung tâm.
Đáp lại điều này, các tổ chức khu vực cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ động, dẫn dắt trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ quyết tâm hoàn thành tốt các trọng trách quốc tế, nỗ lực đưa hợp tác Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực lên một tầm cao mới, vì hòa bình, an ninh phát triển trên thế giới.
Tổng thư ký, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Lãnh đạo Cấp cao và đại diện của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an cùng 5 tổ chức tiêu biểu ở các khu vực tham dự phiên họp - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Cũng tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Liên Hợp Quốc do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định sự gắn kết giữa Liên Hợp Quốc/Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột với xây dựng lòng tin và đối thoại là những thành tố thiết yếu.
Tuyên bố kêu gọi bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ của các nỗ lực hợp tác; kêu gọi các tổ chức khu vực phát huy vai trò hỗ trợ, đưa ra khuyến nghị về ngăn ngừa, giải quyết xung đột cho các quốc gia thành viên phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các thỏa thuận liên quan. Tuyên bố cũng đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại trong thời gian tới.
Quang Thanh
Theo VnEconomy