Chùa ngự trên lưng chừng đỉnh Ngàn Hống, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa.
“Hoan châu đệ nhất danh lam”
Chùa Hương Tích nổi tiếng không chỉ bởi nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và còn nổi tiếng về danh thắng gắn liền với núi rừng, hang động và truyền thuyết tâm linh. Chùa được xây dựng từ thời Trần, gắn với truyền thuyết cổ xưa xứ Thiên Cầm. Đó là sự tích Bà Chúa Ba – tức công chúa Diệu Thiện, con gái của vua Sở Trang Vương nước Sở đã đến tu hành và đắc đạo ở đây. Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện tu hành và hóa Phật Quan Âm.
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh là một quần thể gồm nhiều di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, với nhiều ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ Thần, trong đó cả cả những ngôi đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu. Ngôi chùa là một quần thể kiến trúc nằm trên đỉnh núi Hương Tích - một trong những ngọn núi đẹp nhất dãy núi Hồng Lĩnh. Các hạng mục công trình được nằm rải rác và được chia thành 3 khu lớn, đó là: Thượng Điện, đền Thiên Vương và am Thánh mẫu. Xung quanh chùa còn có nhiều thắng tích, kỳ quan như: Động Tiên Nữ có 36 cửa vào, am Phun Mây, Miếu Cô, khe Tiên Tắm, suối Hương Tuyền, đập nhà Đường...
Du khách về trẩy hội được du thuyền trên đập nhà Đường mộng mơ thả hồn theo tiếng tụng kinh và ngắm nhìn dãy núi trùng điệp với những hình thù khác nhau tạo nên vẻ đẹp kỳ bí để đến cổng chùa. Đến đây du khách tiếp tục men theo vách núi lên đến suối Hương Tuyền và đi cáp treo để lên chùa. Hoặc là đi bộ (hoặc xe điện) gần 5 km, đi qua cánh rừng thông ngút ngàn, xanh mướt men theo triền núi. Mỗi con đường là một cảnh đẹp khác nhau không ở đâu có được khi du khách đến với chùa Hương Thích ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Càng lên cao càng bị cuốn hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình, từ trên cao nhìn những đám mây lững lờ trôi phía dưới lại tưởng như đang lạc vào chốn Bồng Lai tiên cảnh.
Chùa Hương Tích nằm sâu trong những bóng cây, cao khuất thường có mây mù bao phủ tạo nên không gian đầy huyền bí, mang vẻ đẹp tâm linh của người Việt từ xa xưa.
Các năm trước, lễ hội chùa Hương Tích thường được tỉnh tổ chức khai hội vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, mở đầu Năm du lịch Hà Tĩnh, hàng ngàn lượt người không quản ngại đường đi, núi cao cheo leo, đến trẩy hội, cầu may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Ngoài lễ khai hội, tại lễ hội chùa Hương còn tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ - thể thao. Lễ hội chùa Hương sẽ kéo dài từ ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch đến tháng ba âm lịch. Tuy nhiên, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, lễ hội chùa Hương không tổ chức phần hội, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Thu hút du khách gần xa
Ngày nay du khách đến với chùa Hương Tích Hà Tĩnh không chỉ riêng vào ngày lễ hội mà còn kéo dài khắp trong năm để thưởng ngoạn những giá trị văn hóa, sinh thái. Trung bình, mỗi năm có khoảng 14-15 vạn lượt khách đến đây vãn cảnh chùa. Năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người đi lễ chùa không quá đông đúc, công tác phòng dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, tạo sự an tâm cho tất cả các du khách khi về dâng hương tại chùa.
Điều đặc biệt ở đây là về với chùa Hương, du khách không chỉ để thắp những nén nhang hướng về cõi Phật, mà có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ của non nước, mây trời Hà Tĩnh. Đứng trên đỉnh núi, toàn bộ quang cảnh của núi rừng hay xa xa là những khu dân cư sẽ nằm gọn trong tầm mắt .
Hiện nay, chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn lưu giữ được nhiều hạng mục tự nhiên lẫn nhân tạo một cách hài hòa. Để tạo thuận lợi cho du khách hành hương tham quan khu di tích thắng cảnh. Vì vậy khách tham quan không chỉ riêng ở Hà Tĩnh mà người ở khắp nơi đổ về như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An,… ngoài ra, nơi đây cũng thu hút rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan, vãn cảnh..
Ông Đỗ Trọng Khoa -Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Hồng Lĩnh cho biết: Thắng cảnh chùa Hương Tích đã thiết lập, kiến tạo được con đường bê tông để du khách có thể đi xe diện lên chùa, có tuyến cáp treo, đi thuyền và giữ nguyên con đường mòn để du khách bộ hành như xưa đáp ứng sở thích của nhiều nhóm du khách thập phương.
Đến dưới chân chùa du khách sẽ được phát một cây hương để lên thắp, các thùng rác được đặt khắp mọi nơi. Tình trạng bán hàng rong, cướp giật, trộm cắp được ngăn chặn khá triệt để, tạo nên một quang cảnh thanh tịnh, sạch sẽ khi lên chùa thắp hương, vãn cảnh.
Diễm Phước