Sau khi dành nhiều tháng liền nghiên cứu, phân tích năm bộ SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt, phần lớn các trường TH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh quyết định chọn bộ “Chân trời sáng tạo”, kế tiếp là bộ “Cánh Diều”. Là một trong số 14 trường TH trên địa bàn quận 1 chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo”, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm đã công bố nội dung này đến phụ huynh để có sự chuẩn bị chu đáo. Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường chọn “Chân trời sáng tạo” vì nhận thấy bộ SGK này phù hợp với điều kiện, phương pháp giáo dục mà trường hướng đến cho HS. Nhà trường cảm thấy an tâm vì quá trình thay SGK lần này có sự chuẩn bị chu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều bên, nhất là đại diện cha mẹ HS. “Chúng tôi thấy rõ sự cẩn trọng của Bộ GD-ĐT từ những bước triển khai ban đầu đến việc quyết định lùi thời điểm công bố SGK mới thay vì theo tiến độ bằng mọi cách. Bản thân nhà trường không quá lo lắng với đổi SGK vì bộ sách thay lần này không phải là sự loại bỏ hoàn toàn mà vẫn giữ được những cái tốt và phát triển cái mới trên nền của cái cũ. Đó không phải là sự xóa bỏ hoàn toàn cho nên không khó để thích nghi. Việc truyền thông đến phụ huynh cũng thực hiện rất tốt”, bà Đỗ Ngọc Chi nhận định.
“Chân trời sáng tạo” cũng là bộ sách được Hội đồng Thẩm định Trường TH Nguyễn Hiền ở quận 2 lựa chọn sau thời gian dài tính toán, cân nhắc. Theo bà Nguyễn Kim Thành, Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh quá trình làm việc nghiêm túc của đội ngũ thẩm định gồm các giáo viên, cán bộ vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhà trường còn triển khai đầy đủ thông tin năm bộ SGK đến đại diện phụ huynh để ghi nhận ý kiến. Với sự đồng thuận cao, nhà trường quyết định lựa chọn “Chân trời sáng tạo” và đã niêm yết bảng lựa chọn SGK trước cổng nhằm công khai thông tin, giúp phụ huynh có sự chuẩn bị chu đáo cho HS sắp vào lớp 1 tại trường. Bà Thành phấn khởi cho hay: “Lần thay đổi SGK này đã có sự thay đổi rất rõ, các trường được chủ động lựa chọn bộ SGK phù hợp. Điều này rất quan trọng vì khi chọn đúng SGK, việc giảng dạy của mỗi trường sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Quá trình, kết quả chọn sách cũng được công bố rộng rãi, dân chủ nên chúng tôi an tâm lắm. Hy vọng bộ sách mới lần này sẽ tạo được sự thay đổi lớn”.
Giáo viên đóng vai trò cốt lõi
Chọn SGK là một công đoạn trong quá trình chuẩn bị cho chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu với khối lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, xây dựng được chương trình hay, có SGK phù hợp là một chuyện, quan trọng nhất vẫn là con người. Chính vì điều này, công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới được TP Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Không phải đợi đến thời điểm này mà ngay từ khi Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình GDPT mới, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh và các phòng GD-ĐT 24 quận, huyện đã lên phương án đào tạo đội ngũ nhân sự cho yêu cầu đổi mới. Sở GD-ĐT đã phối hợp với các trường đại học tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1.
Nhờ chuẩn bị tâm thế từ hai, ba năm trước cho nên các trường không ngỡ ngàng khi bước vào giai đoạn tăng tốc. Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ tháng 4,
các quận đã triển khai đào tạo chuyên môn, tập huấn trực tuyến cho đội ngũ sư phạm các trường TH. Đến thời điểm hiện tại, công tác tập huấn cơ bản đã hoàn tất. Nhằm phục vụ chương trình GDPT mới, chỉ tính riêng năm học 2020 - 2021, cấp TH tại TP Hồ Chí Minh dự kiến có 6.313 giáo viên/3.550 lớp học, bảo đảm tỷ lệ và đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1, trong đó có 3.683 giáo viên dạy nhiều môn. Không chỉ bảo đảm chuyên môn, nghiệp vụ, các trường còn chủ động lên phương án truyền thông tư tưởng với giáo viên về các yêu cầu trong năm học tới. “Đổi mới chương trình cũng là cách để đội ngũ giáo viên tiệm cận với phương pháp giảng dạy, đánh giá mới, trong đó có dạy trực tuyến. Ở vai trò quản lý, tôi luôn tìm cách làm công tác tư tưởng giúp đội ngũ sư phạm nhà trường nhận thức được việc đổi mới này mang tính tất yếu và đem lại lợi ích cho HS. Có thể nói, tâm thế của các thầy cô đã sẵn sàng cho sự thay đổi lần này”, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 cho biết thêm.
Cùng việc khẩn trương hoàn thiện đội ngũ nhân sự, điều nhiều trường quan tâm nhất bây giờ làm sao đủ cơ sở vật chất để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của chương trình GDPT mới. Riêng về việc thiết kế dạy học hai buổi/ngày, ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đang tiến hành rà soát các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới, lên phương án cố gắng bảo đảm 100% HS khối 1 được học hai buổi/ngày vào năm học 2020 - 2021, kết hợp đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tiếp tục thực hiện cuốn chiếu đối với các khối lớp còn lại vào những năm kế tiếp. Sẽ có thêm những kế hoạch cho tình huống phát sinh nhằm thực hiện tốt nhất các yêu cầu đổi mới của chương trình. Thành phố cũng đang triển khai Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025” với những kế hoạch cụ thể cho từng bậc học. Trong đó, việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT mới được quan tâm hàng đầu.GiaG
Gia Mỹ
Theo Nhân dân