Theo DTN, tính tới thời điểm cuối tháng 10, giá bán các loại phân bón Ure, DAP, và Kali đã tăng lần lượt 97%, 67%, và 92%. Trong khi đó tại Ả Rập Xê Út, giá bán Ure tăng lên mức kỷ lục 950 USD/tấn– vượt qua mức đỉnh lịch sử tháng 8/2008. Còn tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu phân ure hàng đầu thế giới.
Còn tại thị trường Việt Nam, so với thời điểm đầu năm 2021, giá phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu đã tăng khoảng 80-130%.Trong đó, Ure là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15,500 – 16,000 đồng/kg tại Tp. HCM. Bên cạnh đó, giá DAP cũng tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm. Thậm chí, vào những tháng cuối năm nhiều đại lý đã rơi vào tình trạng khan hiếm hàng để giao trên thị trường (theo Agromonitor).
Nhu cầu phân bón được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2022 do các nhà cung cấp lớn như Trung Quốc, Nga và Ai Cập lại hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu. Các quốc gia này ưu tiên tăng cường dự trữ ure, để đảm bảo nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thúc đẩy các quốc gia tăng cường dự trữ phân bón và lương thực. Ngoài ra, giá dầu và giá khí đốt thế giới được dự báo sẽ biến động khó lường trong thời gian tới, cũng là một yếu tố làm ảnh hưởng tới giá phân bón.
Nhà nước đang nghiên cứu chính sách thuế để ổn định giá phân bón. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%. Quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% dự kiến sẽ được áp dụng ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
BSC cho rằng, tác động của thuế VAT lên giá phân bón là không quá lớn, ít nhất là cho đến hết mùa vụ đầu năm 2022. Còn về phía doanh nghiệp, việc áp thuế sẽ tác động tích cực lên các doanh nghiệp sản xuất phân bón, khi được hoàn thuế đối với nguyên liệu đầu vào.
Trong đó, DPM dự kiến được hoàn thuế lớn nhất khoảng 350 tỷ đồng/năm, DCM 280 tỷ/năm, tiếp đến là BFC với khoảng 100 tỷ đồng...
Việc giá bán bình quân sản phẩm ure tăng hơn 60% so cùng kỳ, cùng với lượng tiêu thụ cao đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành phân bón tăng trưởng đột biến.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, DPM ghi nhận LNST đạt 1.503 tỷ VND (+152% yoy), vượt 311% kế hoạch năm. Sản lượng kinh doanh đạt trên 900.000 tấn phân bón, hóa chất các loại, nổi bật là kinh doanh NPK Phú Mỹ đạt gần 123.000 tấn (+77% yoy), hoàn thành 88% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, DCM cũng lãi lớn trong 9M2021, với doanh thu đạt 6.048 tỷ VND (+14% yoy), và LNST tăng 78% lên 822 tỷ VND. Ngoài ra, những doanh nghiệp như LAS, DDV hay PMB cũng ghi nhận lợi nhuận khả quan, so với cùng kỳ thậm chí còn thua lỗ.
Theo BSC, giá phân bón thế giới khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022 bởi các nguyên nhân sau (i) Chi phí nguyên liệu đầu vào để sản xuất, cùng với chi phí cước vận tải vẫn sẽ duy trì ở mức cao; (ii) Một số nhà máy phân bón phải ngừng sản xuất ngoài dự kiến gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung; (iii) Nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch Covid 19 để đảm bảo an ninh lương thực; (iv) Bên cạnh Trung Quốc đang thực hiện hạn chế xuất khẩu phân bón thì mới đây Nga có kế hoạch áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón; (v) Ngoài ra, giá cước vận tải biển quốc tế đang ở mức cao kỷ lục và có khả năng sẽ tiếp tục tăng.
BSC dự báo KQKD Q4/2021 sẽ tiếp tục khả quan nhờ diện tích giao trồng tăng (+5.6%YoY), giá nông sản nội địa kì vọng tích cực so với cùng kì và tồn kho ngành phân bón thấp do nhu cầu tích trữ lương thực trong dịch. BSC đánh giá việc giá phân ure trong nước vượt 16,000 VND/Kg, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục duy trì ở mức cao trong Q4/2021, sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ lợi nhuận của nhóm phân bón.