Dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” ra đời nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng để cải thiện điều kiện lao động cho những “nghệ nhân” đặc biệt – những người đứng sau các tác phẩm tranh lụa đầy ấn tượng của Vụn Art.
Được thành lập và đi vào hoạt động cách đây 6 năm, Vụn Art là một mô hình kinh tế tập thể tạo tác động ra đời với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật và tận dụng các nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.
Từ đó đến nay, Vụn Art không chỉ là nơi làm việc mà còn trở thành “ngôi nhà chung” của hơn 30 thợ thủ công khuyết tật, thuộc nhiều dạng thức khác nhau. Tuy có những khiếm khuyết về cơ thể hay trí tuệ, nhưng tập thể Vụn Art vẫn luôn vươn lên để trở thành những người lao động nghệ thuật đầy tự tin và hạnh phúc.
Thế nhưng, những “nghệ nhân” đặc biệt này đang phải làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn. Không gian sáng tạo của những người thợ chỉ là căn phòng chật chội, tản mát, thiếu tiện nghi và chưa phù hợp với thể trạng của người khuyết tật. Họ cũng chưa có đủ không gian để giới thiệu và trưng bày sản phẩm. Vì lẽ đó, Vụn Art quyết định khởi xướng dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” nhằm cải tạo điều kiện làm việc của người khuyết tật tại cơ sở. Không kêu gọi đóng góp từ thiện, Vụn Art muốn huy động nguồn lực từ chính thành quả lao động của mình những tác phẩm chân dung ghép từ vải lụa đầy tỉ mỉ và tinh tế.
Theo đó, mỗi người có thể gửi cho Vụn Art những bức chân dung ưng ý, mang tính cá nhân hóa dành tặng bản thân, hoặc gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Việc còn lại sẽ là của những người thợ sáng tạo.
Sản phẩm của Vụn Art luôn được đánh giá cao không chỉ vì sử dụng vụn lụa Hà Đông – chất liệu luôn mềm mại, bền màu giúp lưu giữ vẻ đẹp của lụa bền lâu theo năm tháng mà còn nhờ tay nghề thủ công khéo léo của những người thợ khuyết tật tại Vụn Art.
Vụn Art đã nổi tiếng với những bức chân dung sống động của nhiều người nổi tiếng,nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các nghệ sỹ như ca sĩ Mỹ Tâm, hoa hậu H’Hen Niê…
Mỗi bức chân dung được đặt hàng sẽ góp phần đặt thêm những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà mới, nơi những “nghệ nhân” đặc biệt có thể thăng hoa hơn nữa với nghề. Khoản lợi nhuận từ việc bán tranh sau dự án sẽ là chi phí giúp Vụn Art xây dựng một nhà xưởng mới, nâng cấp nội thất, đồng thời trang thị thêm các thiết bị hỗ trợ khác… Cũng tại “ngôi nhà mới” này, Vụn Art có kế hoạch mở một quán trà, cà phê ấm cúng, phục vụ khách tham quan, du lịch, trải nghiệm… với mong muốn tạo sinh kế bền vững mới cho những người khuyết tật khác.
Từ ngày 27/6/2024, những bức chân dung do Vụn Art sản xuất trong dự án (với sự đồng ý của khách hàng) sẽ được trưng bày trong một triển lãm độc đáo nhất từ trước đến nay tại Bảo tàng Hà Nội, cùng với 20 danh nhân Hà Nội, trước khi Vụn Art trân trọng trao lại bức chân dung cho chính chủ.
Sản phẩm của Vụn Art đa dạng từ tranh trưng bày, áo thun, túi đeo cho đến những món quà lưu niệm đậm chất Việt trong hành trang của khách du lịch muôn phương. Mặc dù sử dụng chất liệu lụa, nhưng sản phẩm có thể giặt được mà không bị bong tróc, phai màu, đảm bộ độ bền qua nhiều năm.
Năm 2019, Vụn Art được UNESCO đánh giá là mô hình sáng tạo bền vững, vừa sáng tạo về văn hoá, phát triển sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc, vừa bền vững về việc làm cho nhóm yếu thế. Cùng năm đó, các sản phẩm của Vụn Art được Thành phố Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu. Đây là cơ hội để những tác phẩm nghệ thuật từ bàn tay người lao động khuyết tật tại Vụn Art tiếp cận đến đông đảo cộng đồng quốc tế.
Hoàng Nhung