Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng quốc tế

Vừa qua, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng quốc tế” (Digital transformation in international supply chain).

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có PGS.TS Stuart Dillon - Trưởng khoa Quản lý và Marketing, Trường Đại học Waikato, New Zealand; bà Nguyễn Lam Giang - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Trường Đại học Waikato, New Zealand; ông Đỗ Hoàng Hải - Giám đốc Công ty Digicore Software. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường, các cán bộ giảng viên và sinh viên Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế.

GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách thảo luận về các nghiên cứu đang diễn ra trong bối cảnh về chuyển đổi kỹ thuật số trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng chính là chìa khóa then chốt để nâng cao khả năng thích ứng của kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với tình hình hiện tại của thị trường và chuỗi cung ứng đòi hỏi các chính phủ cũng như doanh nghiệp phải thích ứng với thay đổi và ứng dụng những thành tựu công nghệ số từ đó giúp cải thiện quy trình chuỗi cung ứng và giảm chi phí.

Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm

PGS.TS Stuart Dillon – Trưởng khoa Quản lí và Marketing, Trường Đại học Waikato, New Zealand, công nghệ thông minh và sự đứt gãy số sẽ là tương lai nghề nghiệp cũng như là xu hướng của các tổ chức. Bên cạnh đó, các nhà quản lí đề cập đến dữ liệu lớn (Big data) và học máy (Machine Learning) là những công cụ hữu ích giúp cải thiện hiệu suất theo thời gian và đưa ra những dự đoán, phân loại trong mạng lưới giao hàng.
Theo ông Đỗ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Digicore Software, việc ứng dụng EDI (Electronic Data Interchange) hay Trao đổi dữ liệu điện tử là phương tiện cần thiết để kết nối giữa các công ty, tổ chức và những bộ phận có liên quan trong một chuỗi các hoạt động có liên quan; góp phần đưa doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào chuỗi cung ứng số toàn cầu.
Hội thảo đi sâu phân tích nhiều khía cạnh về nội dung chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng quốc tế đã được thảo luận và làm rõ qua những hiểu biết, kinh nghiệm thực tế của các học giả, các nhà hoạch định chính sách, quản lí của các công ty về công nghệ và dữ liệu.

PV