Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Định danh nông sản Việt Nam

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng chính thức đưa vào sử dụng tạo bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân.

Nhân Ngày chuyển đổi số nông nghiệp, chiều ngày 19/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Với phương châm hoạt động “Kết nối - Chia sẻ - Hiệu quả - Bền vững”, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng chính thức đưa vào sử dụng tạo bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân.

Hệ thống giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin chi tiết về khu vực trồng các loại cây, diện tích, sản lượng, hình thức canh tác, nhật ký canh tác... qua đó, đưa ra những phân tích cho cơ quan quản lý để dự báo dịch bệnh, điều tiết thời vụ, định hướng phát triển cây trồng cho từng khu vực và thị trường.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Định danh nông sản Việt Nam  - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Việc hoàn thành, đưa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng vào khai thác tiếp sau hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Từ đó, nhằm thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong thời gian tới.

Hiện nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, các hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… Nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản, như: Lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La… Tuy nhiên, việc triển khai cấp mã số vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường; nhất là trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản.

Thực tế trên, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt. Trước mắt, ngành sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long, lúa gạo cùng một số cây trồng chủ lực khác để kết nối, nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng.

Tới thời điểm này, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng đã được xây dựng trên phiên bản website và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký.

Tại sự kiện Bộ NN&PTNT phát động phong trào thi đua "Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Hoài Anh