Cơ cấu chuyển dịch giống chè và tình hình canh tác, thu hoạch và tổ chức sản xuất tại các vùng chè

Mặc dù năng suất chè mỗi năm đạt trên 90 tạ/ha với sản lượng trên 1 triệu tấn búp tươi, lượng chè xuất khẩu cả nước đạt 120-130 ngàn tấn, trị giá khoảng 220-250 triệu USD nhưng ngành chè Việt Nam hiện tại vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả sản xuất chè chưa cao, còn thua kém rất nhiều so với ngành chè của các nước khác.

Một số tồn tại

- Canh tác chè đang lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ dẫn đến đất, nước vùng trồng chè bị ô nhiễm ngày càng nặng.

- Dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm là vấn đề lớn nhất đối với sản xuất chè hiện nay.

- Các vùng chè hái bằng máy gần như đã chặt bỏ cây che bóng, vấn đề này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới việc cân bằng hệ sinh thái đồi chè và làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, năng suất đặc biệt khi gặp thời tiết bất thuận có thể làm cháy lá, cây chè bị chết.

- Các vùng chè không tuân thủ theo đúng Quy trình hái chè bằng máy đã được ban hành làm nhiều diện tích chè bị suy kiệt dẫn đến chết mất khoảng, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất chè.

- Kỹ thuật đốn chè không được cập nhật và áp dụng đúng tại hầu hết các vùng chè.

- Chưa có mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.

- Thiếu lao động tại hầu hết các vùng chè.

Cơ cấu chuyển dịch giống chè theo các vùng nguyên liệu

Tại tỉnh Thái Nguyên: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có trên 56% diện tích chè sử dụng các giống chè mới. Trong cơ cấu gần 25 giống chè đang có trên địa bàn của Tỉnh, các giống chủ đạo được người sản xuất tin dùng là LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, các giống chè mới như PH8, PH9... Đây đều là các giống có nguồn gốc từ Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cứu và chuyển giao.

Vai trò của chuyển dịch cơ cấu giống mới năng suất và chất lượng và ứng dụng TBKT, công nghệ mới đã quyết định đến thành công của sản xuất chè Thái Nguyên. Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên là hoàn thành cơ cấu lại hệ thống giống chè hiện có, giảm diện tích chè trung du còn dưới 20%, các giống chè mới tăng đạt 80%, ưu tiên sử dụng các giống cho chế biến chè xanh chất lượng cao như LDP1, PH8, TRI777, LCT1...

Cơ cấu chuyển dịch giống chè và tình hình canh tác, thu hoạch và tổ chức sản xuất tại các vùng chè - Ảnh 1

Các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc: Nhìn chung đến năm 2020, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc đều có sự dịch chuyển rất lớn về cơ cấu giống chè, các giống chè cũ được thay thế, trồng mới bằng các giống chè mới năng suất và chất lượng cao.

Các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu… tỉ lệ tăng giống mới trên 60%; các tỉnh khác có tỉ lệ giống mới đều tăng trên 30%. Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2019 các giống mới được trồng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chủ yếu là nhóm giống phục vụ chế biến chè đen như LDP2, PH11; giống có thể chế biến chè xanh và đen như các giống Shan, LDP1, PH8; hoặc giống chuyên chế biến chè xanh, chè Ô long như Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên…

Riêng tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây đã trồng mới được gần 3.000 ha giống chè mới PH8. Nhóm các giống chè cũ như Trung du, Shan bản địa, PH1, TRI777... đã giảm đều ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy, sản phẩm chế biến đã đa dạng hơn rất nhiều, các nhà máy chế biến sản phẩm mới như: Chè Ô long, Matcha, Sencha, các loại chè đặc sản... đã được đầu tư xây dựng. Do đó hiệu quả sản xuất chè tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc cũng đã được nâng lên rất nhiều.

Các tỉnh miền Trung: Diện tích chè tập trung chủ yếu tại Nghệ An và Hà Tĩnh, các tỉnh khác diện tích chè không đáng kể. Trong thời gian qua, diện tích chè giống mới được chuyển dịch khá mạnh tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Với điều kiện tiểu vùng khí hậu riêng biệt, các giống chè chịu hạn như LDP2 là giống được lưa chọn ưu tiên số một tại miền Trung. Cơ cấu giống chè PH1, chè bản địa đã dần được chuyển sang trồng chè LDP2, LDP1.

Cơ cấu chuyển dịch giống chè và tình hình canh tác, thu hoạch và tổ chức sản xuất tại các vùng chè - Ảnh 2

Gần đây, một số giống chè mới đã được đưa vào trồng khảo nghiệm tại Nghệ An như giống PH8, PH9, PH10, PH11, LCT1, LP18, TRI5.0… sau một thời gian theo dõi (5 năm) đến thời điểm hiện tại một số giống chè mới đã được đánh giá thích nghi tốt với tiểu vùng khí hậu Nghệ An-Hà Tĩnh như PH8, TRI5.0. Riêng tại huyện Anh Sơn - Nghệ An đã trồng hàng chục ha chè giống mới; tại huyện Quỳ Hợp - Nghệ An, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An đã đầu tư trồng mới được gần 100 ha chè giống mới PH8 và TRI 5.0, hiện công ty đã có kế hoạch trồng mới khoảng 1.000 ha chè giống mới trong thời gian tới.

Các giống chè mới đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền Tây Nghệ An và một số khu vực của tỉnh Hà Tĩnh. Hiệu quả sản xuất chè được tăng lên rất nhiều từ các giống mới.

Các tỉnh Tây Nguyên: Trong các tỉnh Tây Nguyên thì chè được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng. Đến cuối năm 2019, diện tích chè của tỉnh Lâm Đồng đã bị sụt giảm mạnh từ gần 19 ngàn ha xuống còn 12 ngàn ha. Cơ cấu giống chè tại Lâm Đồng cũng có sự thay đổi đáng kể, các giống chè cũ như TB14, LD97, chè Shan đã giảm, riêng giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Tứ Quí, Ô long Thanh Tâm lại tăng lên đáng kể chủ yếu do các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư mở rộng diện tích để chế biến chè Ô long. Tuy nhiên giai đoạn gần đây, vì một số lý do khác nhau các doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển hướng đầu tư, vì vậy sản xuất chè Lâm Đồng hiện tại gặp nhiều khó khăn.

Tình hình canh tác, thu hoạch và tổ chức sản xuất tại các vùng chè

- Các diện tích chè trồng mới đa phần được thiết kế theo đường đồng mức, có cây che bóng mát, trồng ở mật độ từ 18.000 - 25.000 cây/ha đối với chè giống mới.

- Áp dụng các thiết bị cơ giới trong làm đất, bón phân, làm cỏ, bảo vệ thực vật, kết hợp ép xanh, tủ gốc, tưới nước.

- Bón phân cân đối kết hợp các nguyên tố đạm, lân, kali và ma giê (Mg), phân hữu cơ, phân vi sinh

- Kỹ thuật hái chè giãn lứa, hái chè bằng máy giúp giảm thuốc BVTV sử dụng trên nương chè, kỹ thuật này được thực hiện khá tốt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lai Châu, Tuyên Quang…

- Các nông trường chè Quốc doanh chuyển sang cơ chế khoán, tiến hành cổ phần hóa các cơ sở chế biến và dịch vụ.

- Các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và chế biến khá đa dạng: Doanh nghiệp vốn 100% của nước ngoài, liên doanh, công ty TNHH, HTX, hộ gia đình…

  - Đã hình thành và phát triển một số trang trại trồng chè quy mô hàng chục ha, sử dụng giống chè mới, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến tại Thái Nguyên, Lâm Đồng, Cao Bằng, Phú Thọ…

Để ngành chè khắc phục được những tồn tại, phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn nữa, đòi hỏi người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cần tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển chè Việt Nam.

Di Linh